Việt Nam cần bộ tiêu chuẩn chung về xây dựng đô thị thông minh

Cập nhật: 21-05-2017 | 11:25:54
Đó là ý kiến chung của đa số các đại diện địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và các chuyên gia tham dự hội thảo "ICT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam hàng năm (18/5).
 
đô thị thông minh, thành phố thông minh, smartcity, Bộ TT&TT

Toàn cảnh hội thảo "ICT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam"

diễn ra tại Hà Nội ngày 18/5. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, trong những năm gần đây, công nghệ thông tin và truyền thông (gọi tắt là ICT), đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo nền tảng bắt đầu cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các thiết bị cảm biến, camera, robot, ... thông minh được ứng dụng trong nhiều ngành như điện, nước, năng lượng, môi trường, … và ở mọi ngóc ngách của đô thị. Hàng loạt dịch vụ mới tiềm năng được tạo ra dựa trên khai thác khối lượng dữ liệu lớn phát sinh, làm chuyển đổi đô thị truyền thống thành đô thị thông minh.
 
"Xét một cách tổng quát, triển khai thành công đô thị thông minh (ĐTTM) sẽ biến đô thị trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và bền vững cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
 
Theo xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam hiện chủ trương thúc đẩy việc xây dựng ĐTTM. Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã đưa ra các mục tiêu và nhiệm vụ: “triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn”.
 
Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” đã nêu nhiệm vụ ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh.
 
Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ TT&TT đã khẩn trương triển khai các nội dung nghiên cứu và phối hợp với Bộ Xây dựng nhằm thực hiện "các nhiệm vụ xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát”.
 
Cho đến nay, ở Việt Nam đã có gần 20 tỉnh, thành phố đang khởi động các đề án về đô thị thông minh, trong đó các doanh nghiệp ICT lớn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với các tỉnh, thành phố trải đều từ Bắc vào Nam.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng thẳng thắn thừa nhận, đây là một vấn đề mới, phức tạp, ngay cả trên thế giới cũng còn đang trong giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước xây dựng các tiêu chuẩn liên quan. Vì vậy, như các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp nhiều trở ngại, thách thức trên con đường phát triển ĐTTM như các dự án triển khai độc lập, manh mún do thiếu kế hoạch tổng thể và sự phối hợp liên ngành, liên vùng, thiếu sự tham gia của người dân, cách thức tổ chức triển khai và mô hình huy động tài chính hiệu quả, …
 
đô thị thông minh, thành phố thông minh, smartcity, Bộ TT&TT
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng 
 
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và các chuyên gia đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc cũng như đóng góp ý kiến về những nội dung cần thiết, các giải pháp và cách thức tổ chức triển khai ĐTTM phù hợp ở Việt Nam.
 
Theo ông, Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KHCN thuộc Bộ TT&TT, với Việt Nam, để xây dựng thành công ĐTTM, nhà nước cần giữ vai trò chủ trì, nhưng các địa phương phải chủ động thực hiện, xây dựng kế hoạch tổng thể giai đoạn 3-5 năm, trong đó 1-2 năm triển khai các dự án thí điểm. Cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các đơn vị liên quan cần khảo sát nhu cầu của người dân khi lập đề án phát triển ĐTTM, thực hiện thí điểm từng bước, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng dần, đồng thời có thể huy động nguồn vốn xã hội để lấy kinh phí thực hiện. Các dự án ngành dọc cần được xây dựng trong một tầm nhìn tổng thể có thể kết nối, liên thông dữ liệu, dùng chung hạ tầng vật lý và dữ liệu tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Các bên tham gia cũng phải chú trọng áp dụng các công nghệ phù hợp với ĐTTM như Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ... và đặc biệt phải có các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin.
 
Đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất rằng, Việt Nam hiện rất cần một chiến lược, một đề án và bộ tiêu chuẩn chung cấp quốc gia về xây dựng ĐTTM để các địa phương căn cứ vào đó để triển khai thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Bộ TT&TT ban hành các quy định liên quan đến phát triển, kiểm tra và đánh giá quá trình xây dựng ĐTTM tại các tỉnh, thành trên khắp cả nước. Ông Quý kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xây dựng ĐTTM, để họ tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lựcđủ trình độ kỹ thuật cho quá trình này.

 

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục khẩn trương nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai đô thị thông minh phù hợp ở Việt Nam. 

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1387
Quay lên trên