Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã căng mình chống dịch Covid-19. Thành công lớn nhất trong cuộc chiến chống dịch của Bình Dương là đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia với tinh thần quyết liệt, đoàn kết, đồng lòng, cùng sự tham gia có trách nhiệm của toàn dân. Nhờ đó, đến nay Bình Dương đã khống chế thành công các ổ dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Lực lượng quân đội trao lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở các vùng thực hiện “khóa chặt, đông cứng”
Căng mình chống dịch
Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4, ngay lập tức cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc quyết liệt. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh đã họp, tổ chức hàng loạt cuộc làm việc để chỉ đạo, đề ra giải pháp cấp bách nhanh chóng dập dịch. Cùng với chỉ đạo qua các cuộc họp, văn bản, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra các điểm nóng đang là tâm dịch thực hiện “khóa chặt, đông cứng” tại TX.Tân Uyên, TP.Thuận An và TP.Dĩ An để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Với những quyết sách sáng tạo, kịp thời và với phương châm “thần tốc - chủ động”, cùng sự chi viện đắc lực của Trung ương, của cả cộng đồng, Bình Dương đã chặn đứng đà lây lan của chủng Delta, khóa chặt hoàn toàn các ổ dịch.
Trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy khó khăn, thách thức, sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân chính là yếu tố quan trọng nhất để Bình Dương chiến thắng dịch bệnh. Thực hiện phương châm “Lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch”, Bình Dương đã nhanh chóng bao phủ mạng lưới trạm y tế lưu động giúp người dân tiếp cận y tế từ xa, từ sớm, từ cơ sở để giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. Tính đến nay, toàn tỉnh đã bao phủ 162 trạm y tế lưu động, trong đó có 43 trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp, 20 tổ y tế lưu động của quân y và 99 trạm y tế lưu động tại 91 xã, phường, thị trấn.
Đội ngũ cán bộ y tế, các chiến sĩ công an, quân đội, tình nguyện viên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong các khu điều trị cách ly để hàng ngày, hàng giờ cứu chữa người bệnh hay bám trụ tại các chốt chặn. Có những bác sĩ tuổi đã cao, mang bệnh trong người nhưng vẫn xung phong tham gia hồi sức cấp cứu chữa trị các ca bệnh nặng. Bác sĩ Từ Tấn Thứ, nguyên Chánh Văn phòng Sở Y tế, chia sẻ: “Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều hạt cát nhỏ như tôi hợp lại mang tới chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Trong cuộc chiến cam go này, các nguồn lực xã hội cũng đã được vận động để cùng chung tay với chính quyền chăm lo tốt hơn cho người dân. Không chỉ trực tiếp tham gia vào các điểm nóng trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, các chiến sĩ quân đội còn ân cần trao tận tay từng cân gạo, bó rau cho những người khó khăn. Từ người bán vé số đến anh bốc vác, phụ hồ, người ở trọ… tất cả đều nhận được những phần quà ý nghĩa, ấm tình.
Giải pháp ứng phó biến chủng Omicron
Nhìn lại một năm chống dịch, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh luôn căng mình chống dịch Covid-19. Thành công lớn nhất trong cuộc chiến chống dịch này là Bình Dương đã kích hoạt cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch với tinh thần quyết liệt, đoàn kết, đồng lòng. Nhờ sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành mà đến nay Bình Dương đã chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, dập tắt các ổ dịch tại tâm dịch TX.Tân Uyên, TP.Thuận An và TP.Dĩ An để giữ vững địa bàn an toàn, tạo đà tăng trưởng trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2021.
Đề cập đến các giải pháp chiến lược trong những tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, UBND tỉnh đang phối hợp với HĐND tỉnh khẩn trương xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ các tổ, nhóm điều trị Covid-19 cộng đồng. Bởi hoạt động của các tổ chính là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, tỉnh giao Sở Y tế đẩy mạnh tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của trạm y tế lưu động, thành lập nhóm bác sĩ điều trị Covid-19, kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), hội chẩn trực tuyến các trường hợp bệnh khó, phân tích chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm để giảm thiểu tối đa bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra hoạt động của trạm y tế lưu động, tổ, nhóm Covid cộng đồng bảo đảm về nhân lực y tế, trang thiết bị, thuốc, oxy… để theo dõi, điều trị F0 tại nhà, F0 tại khu điều trị; đồng thời quyết định cho các địa phương được điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng khi đủ điều kiện.
Trước thực tế Việt Nam đã ghi nhận trường hợp ca mắc biến thể Omicron nhập cảnh từ Anh, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, ngành y tế đang rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11-2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid AmplificationTest), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh). Các trường hợp này sẽ được đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện giải trình tự gen, xác định biến thể Omicron để chủ động ứng phó.
Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron, ngành tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó. Cùng với việc lấy mẫu xét nghiệm, các địa phương cũng tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường, lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể, biến chủng mới. Đặc biệt, tỉnh cũng nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ tiêm phủ vắc xin ngừa Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch, trong đó chú ý tiêm cho những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, tiêm mũi 3 (bổ sung, tăng cường) cho các đối tượng nguy cơ cao và cho toàn dân.
HOÀNG LINH