Kỳ 3: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ
Nhằm tạo “lực” xây dựng và phát triển hệ sinh thái xanh, bền vững, Bình Dương đã không ngừng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh ấn nút động thổ KCN VSIP III. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao
Để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, theo kịp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương đã hiện thực hóa bằng những chương trình hành động, dự án cụ thể trong đề án thành phố thông minh. Đề án thành phố thông minh Bình Dương luôn đặt con người làm trọng tâm, lấy kết nối, hợp tác làm phương châm để phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định.
Do đó, để bắt kịp xu thế mới, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành một tư duy mới trong quản lý, vận hành nền kinh tế - xã hội và doanh nghiệp (DN). Thời gian qua, Bình Dương đã hình thành các cơ sở ươm tạo như đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc tế Miền Đông với mục tiêu thực hiện kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh. Một số trung tâm nghiên cứu được DN thành lập, tiêu biểu như Tổng Công ty Becamex IDC thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển, VNTT và Wustech lập phòng nghiên cứu và phát triển chung. Bên cạnh đó, một dự án trọng điểm về xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, cầu nối phát triển kinh doanh tại Việt Nam là BLOCK71. BLOCK71 hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore đặt tại TP.Hồ Chí Minh, hình thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với TP.Hồ Chí Minh và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu... Đây là bước khởi đầu cho các hoạt động sôi nổi khác, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST tại Bình Dương.
Thực hiện mục tiêu dài hạn đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, giữ nhân tài khoa học và kỹ thuật để thúc đẩy ĐMST, nghiên cứu và phát triển, Bình Dương cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc để có thể phục vụ được nhiều công ty sản xuất tiên tiến.Trong tháng 2 vừa qua, Tổng Công ty Becamex IDC cùng Tập đoàn Sembcorp và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) công bố hợp tác thúc đẩy ĐMST, công nghiệp 4.0, phát triển bền vững, những nền tảng tăng trưởng mới. Các bên thống nhất thành lập Trung tâm ĐMST công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore (VSIIC) tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) với các đối tác Singapore Polytechnic Quốc tế và Liên minh Chuyển đổi thông minh i4.0 của Singapore.
Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam: “Việc xây dựng cơ sở chế tác đầu tiên của Pandora tại Bình Dương sẽ góp phần mở rộng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của Đan Mạch với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao với các nhà máy sản xuất có giá trị, đòi hỏi tay nghề cao. Dự án này một lần nữa khẳng định vị thế của tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương được các công ty Đan Mạch quan tâm nhất”. |
Việc thành lập trung tâm này thể hiện cam kết của Becamex IDC, VSIP và EIU trong việc đồng hành cùng DN với hành trình chuyển đổi công nghiệp 4.0. Trung tâm được thành lập với tầm nhìn đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với vị thế là trung tâm sản xuất của châu Á. VSIIC sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp, đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai và thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp liên tục của DN sản xuất với các hoạt động toàn diện: Giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và phát triển, giới thiệu công nghệ, đánh giá mức độ sẵn sàng và tư vấn để hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp giúp cải thiện năng suất và quy trình quản lý kinh doanh. Bên cạnh đó, EIU và Sembcorp đã ký biên bản hợp tác với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam và phát triển đội ngũ nhân lực.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, cho biết: “Sự hợp tác này sẽ tạo cơ hội để các bên cùng bắt tay thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến ngành và triển khai thương mại công nghệ. Các hoạt động sẽ giúp nâng cao nhận thức về việc áp dụng công nghệ và ĐMST cho phát triển bền vững trong DN”. Ông Wong Kim Yin, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp, cho biết: “Trong thời gian tới, Sembcrop, VSIP, Becamex IDC huy động các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh, công nghệ xanh, những nhà sản xuất thế hệ mới, xanh hơn, bền vững hơn; đồng thời sẽ đầu tư công nghệ 4.0 tại trường EIU. EIU hàng năm sẽ đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu DN, tham gia vào sản xuất của các nhà máy thông minh. Bên cạnh đó, VSIIC sẽ là nguồn cung cấp nhân sự cho các KCN của VSIP, Becamex IDC và cũng là nguồn tái tạo dành cho Bình Dương”.
Xây dựng hạ tầng công nghiệp xanh
Để trở thành khu vực sản xuất xanh, thông minh có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao nước ngoài, Bình Dương đã và đang tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh tốt với những hạ tầng KCN xanh. Bên cạnh đó, thông qua các DN đầu tàu như Becamex IDC, tỉnh đã xây dựng mạng lưới tiếp thị toàn cầu và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại, xây dựng đề án thành phố thông minh. Qua đó, nâng cao hình ảnh, thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN đầu tư công nghiệp sạch, công nghệ cao, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego (Đan Mạch), cho biết: “Việc quyết định lựa chọn Bình Dương là điểm đầu tư và xây dựng nhà máy mới đã được cân nhắc rất kỹ và nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Dự án này sẽ mang lại những trải nghiệm vui chơi mới mẻ, thú vị cho trẻ em, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường xanh, sạch”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tập đoàn Lego đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với VSIP đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất tại Bình Dương. Đây là dự án công nghệ cao lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 được đầu tư tại tỉnh. Dự án sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và khí thải đạt tiêu chuẩn quốc tế, tác động rất tích cực đến môi trường, hệ sinh thái. Điều này cũng khẳng định tiềm năng và lợi thế đầu tư của Bình Dương. Chính quyền tỉnh sẽ luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, tin tưởng rằng Lego sẽ đầu tư sản xuất hiệu quả và ngày càng mở rộng quy mô” .
Tiếp tục là điểm đến thu hút các nhà đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao, vừa qua Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đã quyết định đầu tư dự án với tổng vốn 100 triệu đô la Mỹ để hiện thực hóa một cơ sở chế tác trang sức mới mang đẳng cấp thế giới tại VSIP III. Cơ sở chế tác được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - một chứng nhận hàng đầu về công trình xanh và sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. Ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Pandora, cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát đánh gia ́kỹ lưỡng trên tất cả các tỉnh, thành và đã chọn Bình Dương vì 3 lý do: Nguồn lao động tay nghề cao sẵn có, cơ sở hạ tầng tốt và gần sân bay quốc tế, đặc biệt hơn ca ̉chính là sự nhiệt tình hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh”.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ