Yêu nghề và dấn thân

Cập nhật: 20-06-2018 | 08:02:47

Trong xã hội có nhiều nghề, nhưng đã nói đến sự yêu nghề là nói đến một tình cảm đặc biệt, một tình cảm sâu đậm với cái nghề mình đang làm. Riêng với nghề báo lại có một sự đặc biệt khác. Làm báo không an nhàn, không sung sướng và không ai giàu nhờ nghề làm báo. Và, làm báo mà không yêu nghề thì khó mà thành công. Làm nghề báo là chấp nhận, thu nhập không cao, địa vị không bằng người khác, nhưng phải chịu nhiều vất vả, lăn lộn để có được những bài báo hay, được độc giả mến mộ… 

Đã yêu nghề, là chấp nhận thử thách, hy sinh… Khi ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên ngành báo chí nói rằng, chúng em thích làm báo vì được đi đây đi đó, không phải ngồi gò bó một chỗ, không bị phụ thuộc giờ giấc hành chính. Nói như vậy chưa phải là yêu mà chỉ mới là thích. Một sự thích thú cảm tính của những người trẻ mới bước vào nghề. Với nghề làm báo, phải có thời gian, có thâm niên rèn luyện, qua nhiều thử thách thì mới có cảm nhận sự yêu thích nghề, đam mê với nghề mình đã chọn, chứ không phải lỡ chọn!

Tôi tâm đắc với câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ: Trong cuộc đời, có lúc tôi phải làm việc mình không thích và tự nhủ, nếu không được làm việc mình thích thì hãy thích việc mình làm. Làm gì cũng phải yêu thích công việc của mình thì mới vươn lên được trong nghề. Như vậy, yêu nghề là một trong những điều kiện “cần” quan trọng đầu tiên để có được sự giỏi nghề. Nhưng muốn giỏi nghề cần phải có sự dấn thân.

Dấn thân là lao vào công việc, là bất chấp gian nan, nguy hiểm. Dấn thân là thể hiện bản lĩnh sống và làm việc, là sự cống hiến thậm chí chấp nhận sự hy sinh. Nghề báo lại càng rất cần sự dấn thân đó. Nhà báo không dấn thân thì làm sao có những thông tin đắt giá, những bài báo chống tiêu cực, những thước phim ở tận hang ổ của bọn tội phạm… Môi trường làm việc đó sẽ trui rèn nghề để nhà báo giỏi nghề.

Nghề báo là nghề có nhiều rủi ro. Càng dấn thân thì rủi ro càng nhiều. Song không vì thế mà nhà báo nản lòng, chùn bước. Một khi đã vì sự thật thì nhà báo vẫn chấp nhận và dấn thân. Dám dấn thân tức là không chấp nhận đứng ngoài cuộc khi biết được manh mối và sự thật của hiện tượng tiêu cực. Sự dấn thân đó luôn được độc giả kỳ vọng và xã hội đánh giá cao. Để dấn thân, phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Dấn thân đòi hỏi phải cẩn trọng, thậm chí cả sự mưu trí, dũng cảm để có được phương pháp tiếp cận hay nhất, tối ưu nhất mới có được kết quả và sự thành công. Vì vậy những nhà báo dấn thân là những nhà báo giỏi.

Ngày nay, hệ thống báo chí thực sự lớn mạnh, đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin độc giả. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, báo chí vẫn còn có những tồn tại, khuyết điểm. Vì vậy, trách nhiệm của những người làm báo là phải sớm khắc phục những tồn tại để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo hơn ai hết phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp, tiếp tục dấn thân, để xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa…

NHẠT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=333
Quay lên trên