Cần giữ quy định về Công đoàn trong Hiến pháp

Cập nhật: 29-05-2013 | 00:00:00

Nếu xem Công đoàn như các tổ chức xã hội khác sẽ không phản ánh hết bản chất của giai cấp công nhân. Không có ai đại diện tốt hơn là tổ chức Công đoàn. Việc giữ nguyên điều 10 là phù hợp xét cả về mặt lịch sử cũng như lý luận và thực tiễn.

Tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dự thảo) vào ngày 27-5, điều 10 trong dự thảo quy định về tổ chức Công đoàn (CĐ) đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của đại biểu Quốc hội (QH).

 Đại biểu Trần Thanh Hải, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định: “CNVC-LĐ TPHCM nhất trí cao

với dự thảo và đề nghị một điều khoản riêng về Công đoàn trong Hiến pháp”

 

Công đoàn là thành tố hết sức quan trọng

Đại biểu (ĐB) TPHCM, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải cho biết thực hiện nghị quyết của QH, đã có gần 1 triệu CNVC-LĐ TPHCM tham gia đóng góp trực tiếp vào Hiến pháp. Như vậy, cứ 26 người dân cả nước góp ý về Hiến pháp thì có 1 người là CNVC-LĐ TPHCM. Bản tổng hợp góp ý của CĐ TPHCM gửi đến MTTQ có một đề nghị chung là tiếp tục khẳng định “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức” vì 3 lý do. Thứ nhất, việc khẳng định như vậy là thể hiện bản chất giai cấp của nhà nước; thứ hai, khẳng định nền tảng chính quyền nhân dân; thứ ba, tính chất và nguyên tắc của hệ thống nhà nước.

Ông Hải cho biết CNVC TPHCM nhất trí cao với dự thảo và đề nghị một điều khoản riêng về CĐ trong Hiến pháp. “Nếu không quy định tổ chức CĐ trong Hiến pháp là làm mất đi một thành tố hết sức quan trọng trong việc tạo dựng và tập hợp giai cấp công nhân”- ông Hải nhìn nhận.

Ông Hải dẫn việc từ khi đất nước tiến hành đổi mới và đặc biệt trong 5 năm vừa qua, Đảng và Nhà nước tập trung cho CĐ thực hiện chức năng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí đại diện thực sự của CĐ đối với người lao động. ĐB Lê Thành Nhơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng bản chất giai cấp vô sản là bản chất giai cấp công nhân nên quy định CĐ trong Hiến pháp hoàn toàn có lợi. ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề xuất việc giữ lại điều 10 là thể hiện đúng bản chất CĐ là đại diện cho lực lượng rất lớn, đó là giai cấp công nhân.

Không ai đại diện tốt hơn tổ chức Công đoàn

ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) chỉ rõ đã có gần 94.000 ý kiến tham gia góp ý điều 10 nhưng chỉ có 10 ý kiến đề nghị bỏ điều 10 đã cho thấy sự đồng thuận cao. “Nếu cào bằng CĐ với các tổ chức xã hội khác sẽ không phản ánh hết bản chất của giai cấp công nhân” - ĐB Y Khút Niê nhấn mạnh. ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) dẫn ra 4 bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980 và 1992) đều đưa CĐ vào điều 10. “Nếu quyết định bỏ điều 10 là không kế thừa được những mặt tích cực, hợp lý mà còn đánh đồng các tổ chức đoàn thể khác, không thể hiện được sự tiến bộ của Hiến pháp cũng như hạ thấp vai trò pháp lý của CĐ Việt Nam”- bà Hậu nói.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thẳng thắn: “Giai cấp công nhân là đại diện cho phương thức lao động tiên tiến tạo ra của cải xã hội lớn, đây cũng là giai cấp có tư tưởng rất tiến bộ, đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động mới. Không có ai đại diện tốt hơn là tổ chức CĐ. Việc giữ nguyên điều 10 là phù hợp xét cả về mặt lịch sử cũng như lý luận và thực tiễn”- ông Vinh nói.

Cầu nối mật thiết

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đánh giá CĐ Việt Nam là cầu nối mật thiết giữa Đảng và nhân dân. “Hiến pháp có một điều riêng về CĐ là góp phần vào củng cố bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chế độ ta. Lịch sử CĐ đã chứng minh CĐ là hạt nhân trong đấu tranh cách mạng. Cương lĩnh phát triển đất nước khẳng định đến năm 2020, Việt Nam cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước công nghiệp, hiện đại thì CĐ càng có vai trò rất quan trọng”- ông Thiện nhấn mạnh.

ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) đề nghị giữ điều 10 như trong dự thảo Hiến pháp nhằm khẳng định tầm quan trọng của CĐ. Ông Bình phân tích các thành phần kinh tế sẽ tiếp tục phát triển, do đó việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân, người lao động phải được đặt ra. Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ) nhấn mạnh: “Tổ chức CĐ rất quan trọng trong thể chế chính trị như nước ta, chính vì thế, cần giữ lại và quy định rõ ràng về điều 10 trong Hiến pháp”.

Điều 10 trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992

CĐ là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên