Chương trình “Tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình” là một trong những hoạt động do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ (HTTNCN&LĐT), Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức. Những buổi nói chuyện theo chuyên đề của các chuyên gia tâm lý với công nhân đã góp phần giải đáp những thắc mắc trong tâm tư tình cảm, trong lối sống vợ chồng, giúp họ nâng cao nhận thức, có những phương pháp ứng xử hợp lý nhất trong cuộc sống.
Vừa qua, Trung tâm HTTNCN&LĐT tỉnh đã mời giáo sư, tiến sĩ (GS-TS) Vũ Gia Hiền về tiếp xúc và tư vấn cho gần 300 công nhân của Công ty TNHH Hưng Thịnh Gia tại xã An Lập (Dầu Tiếng). Tại buổi tiếp xúc, GS-TS Vũ Gia Hiền đã chia sẻ với anh chị em công nhân tại công ty về cách giữ lửa cho tình yêu lứa đôi, tình yêu trong gia đình; cách nuôi dạy con trẻ và có nên sống thử trước hôn nhân hay không...
Anh chị em công nhân chia sẻ về cuộc sống gia đình tại buổi tham gia chương trình “Tư vấn tình yêu,hôn nhân gia đình”
Chia sẻ cùng GS, chị Hứa Yên Phương (24 tuổi) thắc mắc về vai trò của gia đình, của hôn nhân với xã hội, tình yêu đồng tính, sự nhìn nhận của xã hội với những người ở giới tính thứ ba. Chia sẻ với chị Phương, GS-TS Vũ Gia Hiền đã phân tích giúp chị cùng các anh chị em tại buổi nói chuyện hiểu rõ hơn về vai trò của một gia đình với xã hội, ý nghĩa một cuộc hôn nhân đôi lứa trong xã hội loài người, sự nhìn nhận của xã hội với hôn nhân ở giới tính thứ 3 trong thời hiện đại và phân tích, định hướng cùng các anh chị em công nhân có cái nhìn đúng đắn hơn về những người có phần không may khi mang giới tính thứ 3. “Đây có thể nói là một sự bất công với những người không may mắn mang giới tính không rõ ràng. Theo quan niệm của xã hội từ xưa đến nay, hôn nhân phải có tương lai gia đình và cái chất ở đây là tồn tại giống nòi tức là sinh con đẻ cái. Những người ở giới tính thứ 3 thì không có được điều đó”, GS-TS Vũ Gia Hiền chia sẻ.
Chị Lê Thị Huấn (42 tuổi, quê Thanh Hóa) như vỡ òa trong tâm tư về những đau khổ trong cuộc sống gia đình mình 7 năm qua. “Thưa giáo sư, con lấy chồng tại miền Nam được 7 năm, có với nhau 2 mặt con. Chồng con không đi làm cố định. Cuộc sống gia đình có nhiều điều, hơi không vừa ý điều gì là chồng con đánh con, chửi con. Con tủi lắm. Hiện tại, một đứa bé con gửi về quê nhờ ông bà ngoại nuôi, một đứa thì ở với ông bà nội. Nói thật, con sợ về nhà lắm. Mọi người nói con ly dị cho đỡ khổ nhưng như thế con lại thương hai đứa nhỏ... Giờ con không biết phải làm gì. Con rất thương con của con”. Chia sẻ cùng chị Huấn, GS-TS Vũ Gia Hiền đã giúp chị bình tâm để nhìn nhận cuộc sống thực tại của chị cùng gia đình, phân tích và đưa ra cho chị những lời khuyên để chị có thể áp dụng vào cuộc sống gia đình mình. GS khuyên chị “Hãy bình tâm, lắng đọng tâm tư lại để giữ sức khỏe, cố gắng lao động, tích lũy tiền để lo cho con cái”.
Anh Đỗ Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm HTTNCN&LĐT tỉnh, cho biết: “Trong 3 tháng, trung tâm trực tiếp thực hiện chuyên đề nói chuyện “Thanh niên công nhân với văn hóa giao thông” và “Tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình”, bản thân tôi được trực tiếp chia sẻ với người lao động về những khó khăn trong cuộc sống và gia đình của họ, tôi như có thêm động lực để đưa chương trình nói chuyện theo chuyên đề về với anh chị em công nhân tại các đơn vị, doanh nghiệp. Tôi mong sau mỗi chương trình nói chuyện trực tiếp thế này, anh chị em thanh niên công nhân sẽ tích lũy được nhiều kiến thức, có những biệp pháp để bảo vệ gia đình hạnh phúc hơn, thoải mái tinh thần hơn… để yên tâm lao động và sinh sống tại Bình Dương hơn nữa”.
HẢI YẾN