Khuyến công đào tạo, truyền nghề và phát triển nghề: Chương trình “cầm tay chỉ việc” cho lao động

Cập nhật: 10-05-2014 | 00:00:00

Chương trình đào tạo nghề tại doanh nghiệp (DN) là một trong những nội dung nằm trong hoạt động khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) Bình Dương. Chương trình được triển khai thực hiện nhằm nâng cao tay nghề cho lao động (LĐ) sau đào tạo, để mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là LĐ nông thôn…

Đào tạo nghề từ chương trình khuyến công

Công tác đào tạo nghề LĐ cung cấp cho DN là một trong những nội dung được TTKC Bình Dương ưu tiên thực hiện, với mong muốn tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp (DN). Từ khi thành lập đến nay, TTKC Bình Dương đã tổ chức đào tạo được 6.912 LĐ với tổng kinh phí hỗ trợ 4,896 tỷ đồng, chủ yếu là LĐ trong các ngành nghề như may công nghiệp, chế biến gỗ, mây tre đan, tiện, điêu khắc gỗ, đan sợi nhựa, hàn khung sắt… Sau khóa học, LĐ được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo nghề tùy vào thời gian tham gia khóa học và được DN tiếp nhận vào làm việc tại các DN.  

Lớp đào tạo nghề may cho học viên tại Trung tâm Huấn luyện thực nghiệm .Ảnh: VĂN SƠN

Hoạt động khuyến công đào tạo nghề đã và đang là cầu nối để kết hợp các nhu cầu của DN sản xuất với NLĐ, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề. Đào tạo gắn chặt với nhu cầu của các DN đó là giải pháp mang tính hiệu quả thiết thực đưa DN trở thành một trong những chủ thể tham gia vào quá trình đào tạo nghề bằng chính nguồn lực sẵn có là nhân công LĐ có kinh nghiệm và tay nghề cao đang làm việc tại DN. Đào tạo nghề, truyền nghề trong hoạt động khuyến công ở Bình Dương đã tập trung đào tạo nghề cho LĐ thuộc các nghề may công nghiệp, chế biến gỗ, mây tre đan, tiện, điêu khắc gỗ, đan sợi nhựa, hàn khung sắt.

Tại những khóa đào tạo nghề từ chương trình khuyến công cho LĐ đang làm việc tại những DN nhưng có tay nghề còn yếu hoặc chưa có tay nghề, LĐ được trang bị kiến thức về kỷ luật LĐ, tác phong LĐ chuyên nghiệp trong môi trường công nghiệp; rèn luyện kỹ năng, giảm thao tác thừa đến mức tối ưu; trang bị kỹ năng tự rèn luyện để không ngừng nâng cao năng suất LĐ, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho bản thân để góp phần nâng cao khả năng thực hiện mục tiêu tăng chất lượng cuộc sống cho NLĐ, hạn chế đình công, lãn công ảnh hưởng không tốt đến sản xuất.

Gắn đào tạo nghề với nhu cầu LĐ

Nếu như trước đây, một số công nhân vào làm việc ở những DN thuộc nhóm ngành như may, gỗ đều là LĐ phổ thông chưa qua đào tạo hoặc tay nghề chưa thông thạo, mỗi khi tuyển dụng công nhân DN lại phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để tự đào tạo. Từ khi có sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của Nhà nước, TTKC Bình Dương đã phối hợp với DN và cơ sở đào tạo nghề triển khai đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân tại DN. Sau mỗi khóa học, không những anh chị em công nhân được đào tạo nghề mà họ còn được cấp giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo nghề. Đây thực sự là nguồn LĐ có tay nghề góp phần giúp cho các DN ngày càng phát triển ổn định.

Công ty TNHH Liên Phát đặt trụ sở tại phường An Bình, TX.Dĩ An hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công giày các loại để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Lực lượng LĐ của công ty hơn 1.000 người, chủ yếu là LĐ trẻ không có tay nghề và có trình độ văn hóa thấp đến từ các tỉnh lân cận. Do đó, muốn sử dụng được nguồn LĐ này thì công ty phải đào tạo ngắn hạn từ 15 ngày đến dưới 1 năm thì LĐ mới biết nghề và thạo nghề. Bình quân hàng năm, công ty phải đào tạo trên 500 LĐ, chi phí đào tạo là rất lớn. Từ nguồn kinh phí khuyến công, TTKC Bình Dương đã phối hợp với Công ty TNHH Liên Phát tổ chức khai giảng 6 lớp đào tạo nghề may da giày cho 300 LĐ tại công ty. Sau khóa đào tạo, LĐ đã có tay nghề vững, phù hợp với yêu cầu của công ty. Đến nay LĐ đã được đào tạo là những công nhân nòng cốt giúp Liên Phát nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN trên thị trường quốc tế.

Chương trình khuyến công đào tạo nghề, truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho LĐ nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống và đang khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của chương trình khuyến công trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp nông thôn ở Bình Dương.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương Lê Văn Chí:

Để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, TTKC Bình Dương đã triển khai thực hiện các chương trình của hoạt động khuyến công. Đề án đào tạo nghề cho LĐ đã góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng LĐ chưa có việc làm và cung ứng LĐ có tay nghề cho DN. Đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội một cách thiết thực, trang bị những kiến thức cơ bản cho NLĐ, đáp ứng được nhu cầu nhân lực có tay nghề cho các DN quy mô vừa và nhỏ.

TƯỜNG VY

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên