Nâng cao hiệu quả cuộc vận động

Cập nhật: 06-12-2017 | 08:16:52

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là CVĐ) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Từ CVĐ đã tạo thói quen ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước của người dân.

 Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (TX.Tân Uyên). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Thay đổi nhận thức của người dân về hàng Việt

Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo CVĐ, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có nhiều đóng góp trong quá trình tuyên truyền về CVĐ bằng cách lồng ghép thông qua hoạt động sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ nhằm phổ biến kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thói quen khi mua sắm, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa do DN trong nước sản xuất. Song song với việc tuyên truyền nâng cao kiến thức, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các câu lạc bộ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hướng dẫn, chia sẻ, giới thiệu những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao góp phần giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ lựa chọn và sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng. Hiện toàn tỉnh đang duy trì 20 câu lạc bộ, tổ bảo vệ quản lý “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 828 thành viên.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hàng Việt, tháng 6-2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Dĩ An, TX.Dĩ An đã thành lập mô hình “Gia đình tôi yêu hàng Việt Nam” với 30 thành viên. Sau khi thành lập, các thành viên cùng phối hợp triển khai, hướng dẫn từ phường xuống khu phố tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà sản xuất về mục đích của CVĐ.

Bà Trương Thanh Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, trong thời gian qua Hội LHPN các cấp luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan nên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ, gia đình và cộng đồng về thực hiện CVĐ...

Để người tiêu dùng thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng không chỉ dựa vào công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị và các cơ quan truyền thông, mà còn là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của các DN trong nước. Nhiều DN đã khẳng định được thương hiệu của mình với người tiêu dùng, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế, như các thương hiệu sữa Vinamilk, nệm Kim Đan, Vạn Thành, Biti’s...

Nâng cao hiệu quả phiên chợ hàng Việt

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của CVĐ, bởi đây được coi là giải pháp quan trọng đưa hàng Việt đến với thị trường và người tiêu dùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức các phiên chợ trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh cho biết, thời gian qua chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở nông thôn; có phiên chợ có sản phẩm chưa đạt chất lượng (quần áo, nước mắm...), một số mặt hàng nhu yếu phẩm cận thời hạn sử dụng... Ngoài ra, số lượng DN hưởng ứng các phiên chợ còn ít so với lượng DN trên địa bàn tỉnh, dẫn đến số lượng hàng hóa, sản phẩm tham gia còn ít về số lượng, chất lượng, mẫu mã chưa phong phú, giá cá một số mặt hàng có lúc còn cao...

Thực tế cho thấy, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua có quy mô nhỏ lẻ, hàng hóa chưa thực sự phong phú. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác tuyên truyền để nâng cao kiến thức, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt thông qua các phiên chợ chưa cao. Trong khi đó, các DN trong tỉnh được mời tham gia chủ yếu với tinh thần “ủng hộ” nên đa số sau mỗi phiên chợ số lượng DN tham gia ít dần. Đối với DN ngoài tỉnh đến với phiên chợ vẫn còn tư tưởng bán theo dạng bán buôn, bán lẻ thuần túy, thậm chí là dịp để xả hàng lỗi mốt, hàng tồn. Một số người dân ở vùng nông thôn thì phản ánh, hàng hóa tại các phiên chợ hàng Việt khá đa dạng, phong phú, giá cả cũng khá hợp lý, nhưng có những sản phẩm mua về dùng không được bao lâu thì bị hư hỏng.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của CVĐ, bà Hạnh cho biết trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp để hình thành được một cơ chế phối hợp từ khâu tuyên truyền, vận động người tiêu dùng đến tăng cường công tác quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của các DN trong nước và sự tích cực hưởng ứng của người dân. Ban chỉ đạo cũng chú trọng việc nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát thị trường về thương mại trên địa bàn tỉnh, trước hết là hiệu quả của công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái phép, qua đó bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam chân chính.

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên