Xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình: Những “rủi ro” trong hôn nhân và cách đề phòng

Cập nhật: 02-11-2011 | 00:00:00

Mới đây, tại các CLB Xây dựng gia đình (GĐ) phát triển bền vững đã có những buổi sinh hoạt với chủ đề xoay quanh, tình trạng ly hôn tăng nhiều quá! Xem ra đây là một trong những “đề tài” được quan tâm và bình luận nhiều. Và câu chuyện xoay quanh những rủi ro trong hôn nhân từ đó có cách... nhìn nhận và “trừ diệt” nó để GĐ luôn hạnh phúc.

Người hướng dẫn thuyết trình (chủ nhiệm CLB) đã liệt kê những rủi ro gì có thể xảy ra cần chú ý đề phòng trong hôn nhân và cuộc sống GĐ như sau: Quá vội vàng đi đến hôn nhân. Việc quyết định kết hôn quá sớm, quá vội, quá hấp tấp chưa kịp tìm hiểu và cân nhắc kỹ có thể dẫn đến những hiểu lầm, sai lầm làm tan rã hôn nhân. Những khiếm khuyết không được sửa chữa. Một trong hai người hoặc cả hai vợ chồng đều có những khuyết điểm nhưng không được sửa chữa. Sự khác biệt quá xa về thành phần xã hội - nguồn gốc xuất thân, nghề nghiệp của hai vợ chồng, trong khi đó họ lại không có biện pháp tốt để từng bước khắc phục. Cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc không sinh được con. Cuộc sống tình dục không còn hấp dẫn giữa vợ và chồng. Tổ chức cuộc sống GĐ không tốt khi người vợ sinh con. Không tìm được lối thoát khi công việc của người chồng gặp khó khăn. Tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm thu nhập thấp của vợ chồng...

Từ những nguyên nhân được “điểm mặt” này, mọi người bàn luận và đưa đến những cách giải quyết mâu thuẫn, tránh rủi ro như: Không cách gì hay hơn giữa hai vợ chồng là “luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu”. Đặt ra mục đích của buổi nói chuyện. Trước khi nói chuyện bạn hãy đặt ra trước kế hoạch cần nói những gì định nói. Lựa chọn thời điểm thích hợp. Thời điểm và không khí là nhân tố quan trọng tạo nên buổi nói chuyện thành công. Biết đặt vấn đề một cách nhẹ nhàng, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cách nói của bạn sẽ quyết định sự thành công của buổi nói chuyện. Hãy làm cho người nghe không cảm thấy bị xúc phạm. Biết lắng nghe ý kiến của người bạn đời. Hãy khích lệ người bạn đời cởi mở nói lên những điều họ mong đợi ở bạn hoặc những điều họ không hài lòng; đồng thời sẵn lòng nghe sự góp ý của bạn. Không phải lúc nào mình cũng đúng. Nên nhớ rằng không phải bạn là người cần nói chuyện đồng nghĩa với việc bạn luôn đúng. Đừng bao giờ quá tự phụ, kiêu căng về bản thân. Biết khắc phục những yếu điểm về tâm sinh lý. Khi có mâu thuẫn người chồng thường dễ bị kích động, rất nóng nảy nên người vợ thường muốn xa lánh chồng. Cách tốt nhất là tuyên bố... tạm nghỉ mỗi khi tranh luận trở nên quá căng thẳng, cả hai hãy suy nghĩ hoặc để cho đầu óc thư giãn 15 - 20 phút rồi mới... trở lại vấn đề!

Và điều quan trọng là cần giữ bình tĩnh dù cho “đối phương” có đang “chọc giận” bạn, đó mới là thành công hơn nữa trong việc giữ hòa khí GĐ.

Q.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên