1%, 30% và phải làm gì?

Cập nhật: 25-11-2013 | 00:00:00

Câu chuyện về tỷ lệ công chức, viên chức (CCVC) “không làm được việc” vẫn còn tiếp tục nóng sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong tuần qua về vấn đề chất lượng đội ngũ CCVC. Bộ trưởng Bình cho rằng tỷ lệ công chức “không làm được việc” hiện khoảng 1%, còn con số 30% chỉ là dư luận; trong khi đó nhiều đại biểu Quốc hội và những người am hiểu lĩnh vực này không tin vào con số giải thích trên.

Những ngày qua, trên nhiều tờ báo đã có các cuộc thăm dò dư luận và phỏng vấn, lấy ý kiến các chuyên gia, những người từng có công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này... Kết quả cho thấy, tỷ lệ chỉ có 1% công chức “không làm được việc” khó thuyết phục được dư luận. Sự việc vẫn đang tiếp tục được tranh luận, tuy nhiên có thể thấy vấn đề mấu chốt ở đây không chỉ là tỷ lệ bao nhiêu công chức “không làm được việc” - 1%, 30% hay thậm chí 50% như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, mà còn thể hiện sự quan tâm lớn của dư luận, người dân đối với chất lượng đội ngũ CCVC hiện nay.

Theo thống kê đến hết năm 2012, cả nước có 1,7 triệu viên chức và hơn 525.000 công chức Nhà nước. Trong số đó những người làm việc trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập hàng ngày tiếp xúc với nhân dân chiếm tỷ lệ lớn. Đây cũng chính là “bộ mặt” của các cơ quan hành chính trong quá trình tiếp xúc, phục vụ nhân dân. Do vậy, những hiện tượng gây khó khăn, thiếu nhiệt tình hay lớn hơn là nhũng nhiễu để tư lợi, mặc dù không phải là đa số nhưng vừa gây bức xúc, vừa làm mất lòng tin của người dân đối với hình ảnh người công chức nói chung. Đây cũng là lý do khiến cho sự quan tâm của người dân đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC ngày càng nhiều hơn.

Phải có giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng CCVC - ý kiến này đã được nhiều đại biểu Quốc hội và các diễn đàn trên báo chí nhấn mạnh, đồng thời đề nghị những người có trách nhiệm nhanh chóng triển khai thực hiện. Con số hàng chục ngàn tỷ đồng chi lương cho CCVC mỗi năm được một số đại biểu nêu ra để ví von, so sánh với chất lượng công chức hiện nay, nghe qua có vẻ hơi chua chát nhưng có lẽ đó cũng là sự nhắc nhở không thừa cho những người có trách nhiệm đối với bộ máy công quyền và đội ngũ công chức; thậm chí ngay bản thân CCVC đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước qua dịp này cũng cần soi rọi lại chính mình để từ đó có trách nhiệm hơn với chức trách, công việc được giao.

Đổi mới công tác tuyển dụng, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức; không tăng biên chế công chức đến năm 2016; chống tình trạng chạy chức, chạy quyền... là những giải pháp nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng CCVC đã được nêu ra và bản thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng kỳ vọng với những giải pháp đó. Do vậy, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tế để góp phần nâng cao chất lượng bộ máy công quyền, xây dựng hình ảnh công chức thực sự là công bộc của nhân dân.

QUANG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=350
Quay lên trên