Ngày 17-11, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã bắt giữ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H.N.N. về hành vi “giết người”. Tại cơ quan công an, N. khai nhận: ngày trước đó, tại nhà trọ trong khi cho bé L. ăn sáng, bé L. quấy khóc đòi mẹ nên N. đã dùng chân đạp hai cái vào bụng và ngực của cháu bé gây thương tích nặng khiến cháu L. đã tử vong trước khi đưa đi cấp cứu! Nhẫn tâm ra tay làm chết cháu bé 18 tháng tuổi mà L. đang nhận trông giữ với vai trò “bảo mẫu”; hành vi của người đàn bà này đã khiến cho dư luận xã hội rất đỗi bàng hoàng, phẫn nộ!
Đây không phải là lần đầu xảy ra câu chuyện thương tâm, gây chấn động lòng người tương tự như thế này. Cũng đã từng có chuyện về những người trông giữ trẻ hung tợn, thẳng tay đánh đập các cháu bé thơ ngây một cách thô bạo, khi các cháu không chịu ăn, không chịu tắm… Quả là vô phúc cho cháu bé nào bị gửi nhầm vào tay “ác mẫu”, nếu không mắc chứng trầm cảm thì cháu cũng hoảng loạn khi mỗi ngày phải vào “nơi trông trẻ” này và không thể lường trước sẽ có khi lại phải gánh chịu hậu quả! Trên thực tế, ở những địa phương làm ăn phát triển, có đông lao động nhập cư vẫn còn gặp khó trong việc tổ chức trường lớp, thiếu thốn cơ sở vật chất nhất là ở bậc học mẫu giáo, mầm non; đặc biệt là các nhà trẻ, điểm trông giữ trẻ. Thế nên, vai trò của các nhà trẻ tư nhân cũng đã hình thành và khi được ngành chức năng quản lý, giám sát đã góp phần chia sẻ khó khăn này khá hiệu quả. Song, đáng lo ngại khi vẫn còn số nhà trẻ tự phát, nhóm giữ trẻ, trông trẻ tư nhân tự động hình thành, mặc nhiên hoạt động mà chẳng thể quản lý, kiểm tra. Đến khi “sự cố” xảy ra thì “rất bất ngờ” và rằng “chẳng biết, chẳng hay” để phủi trách nhiệm!
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có một số nhà máy, xí nghiệp, nông trường cao su… tổ chức các nhà trẻ để đảm nhận việc chăm lo, trông giữ con em cho công nhân an tâm làm việc nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa nhiều; đặc biệt mô hình này chưa phát triển mạnh tại thành phố, các thị xã ở phía Nam tỉnh, là nơi tập trung đông đảo lao động nhập cư. Trong quá trình mưu sinh, nhiều đôi bạn trẻ đã nảy sinh tình cảm, họ thành vợ thành chồng; đến khi có con nhỏ thì phát sinh bao chật vật lo toan, họ băn khoăn chuyện gửi con nơi đâu để tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh. Thế là, họ đành phải tìm đến nơi “không đòi hộ khẩu”, có “giá mềm” vừa với mức thu nhập thấp của công nhân; mà xem ra có nơi nào khác hơn là giao cháu bé đến những điểm trông trẻ tự phát - dễ thường tiềm ẩn bao nỗi bất trắc, bất an. Bí quá, thôi thì cũng liều mà “gửi đại” hên xui!
Trước thực trạng này, nhất thiết cần có giải pháp giám sát, kiểm tra ngăn ngừa xảy ra những trường hợp đau lòng tương tự. Không chỉ trông chờ vào ngành chức năng; các địa phương cần có kế hoạch kiểm tra hoạt động của số nhà trẻ tự phát, điểm nhận trông giữ trẻ tư nhân hiện có trên địa bàn; nâng cao vai trò thường xuyên giám sát, nhắc nhở cho các chi hội phụ nữ, khu phố, tổ trưởng dân cư… và can thiệp khi cần thiết.
Không thể ngó lơ, bỏ mặc các cháu vốn dĩ mong manh khi bị người lớn trút cơn thịnh nộ! Kịp thời lên tiếng cảnh báo, ngăn ngừa hành vi bạo hành đối với trẻ - luôn là mệnh lệnh xuất phát từ những tấm lòng nhân hậu. Không thể vô cảm, dửng dưng trước sự việc để rồi người lớn chúng ta phải ân hận, xót xa khi lỡ xảy ra hậu quả đau lòng.
THANH NHÀN