“Điều kiện cần cho một học sinh chuyên sâu về âm nhạc gồm nhiều thứ, trong đó không thể thiếu về năng khiếu, đam mê, sự kiên trì, thông minh và đặc biệt đó là thời gian khổ luyện. Một giờ học từ thầy cô phải tương đương với 15 đến 20 luyện tập ở nhà. Có như thế khi ra trường chắc chắn họ sẽ là người đủ bản lĩnh, tự tin với nghề…”, đó là chia sẻ của thầy Đỗ Hữu Sinh, Phó Trưởng khoa Nghệ thuật - Trình diễn trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.
Thu Hiền, cựu học sinh trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương nhận giải nhất Tiếng hát HSSV lần II năm 2014
Đến nay đã là khóa thứ 10 của khoa Nghệ thuật - Trình diễn trường Trung cấp Mỹ Thuật - Văn hóa Bình Dương (trước đây là khoa Âm nhạc, trường Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Dương) thì các điều kiện cần ấy vẫn quan trọng để học trò mình có thể thành danh trong cuộc sống. Từ đây, bao thế hệ học sinh đã và đang tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Hiện tại, ở các trường có cách thu hút học sinh, sinh viên rất riêng nhưng với khoa Nghệ thuật - Trình diễn trường vẫn giữ cách tuyển chọn học sinh giống như các khóa đầu là thi tuyển năng khiếu. Hàng năm, số lượng học sinh đến dự tuyển với khoa trên dưới 20 em và qua tuyển chọn mỗi năm khoa đào tạo từ 9 - 10 học sinh. Số lượng giảng viên của khoa hiện tại là 8, như vậy học viên tại khoa này là 1 thầy, 1 trò song hành cùng nhau rèn luyện để trở thành chuyên nghiệp sau 4 năm học tập.
“Đồng hành cùng các em trong ngần ấy năm thì tình cảm thầy trò có khi là anh em, chị em; người đồng nghiệp và có khi lại như là một người cha, người mẹ giúp các em nên người. Để âm nhạc trở thành con đường nghệ thuật chân chính, tôi đã đề xuất với tất cả giảng viên cần chú trọng đến đào tạo văn hóa, đạo đức trong âm nhạc để khi ra trường các em cảm thấy tự hào về nghề mình đã chọn...”, thầy Đỗ Hữu Sinh nói.
Trò chuyện cùng thầy Sinh, chúng tôi thấy thầy rất đỗi tự hào về những người học trò của mình trong các niên khóa. Những cái tên như Đức Anh, Kim Dung, Hữu Hưng, Thu Hiền, Ngọc Ánh, Hữu Toàn, Linh Xuân… đều là những học trò cưng luôn được thầy nhắc nhiều với chúng tôi. Ở các cuộc thi đại diện cho tỉnh họ đều mang vinh dự về cho trường, cho chính bản thân mình. Với Ngọc Ánh, huy chương vàng Tiếng hát miền Đông; Thanh Tùng, giải nhất Tiếng hát HSSV Bình Dương lần thứ I năm 2012; Thu Hiền, giải nhất Tiếng hát HSSV Bình Dương lần thứ II năm 2014. Thu Hiền chia sẻ: “Bước chân vào trường chỉ bằng tình yêu, lòng đam mê và một chút năng khiếu nhưng đã được các thầy cô dìu dắt em đã có thể tự tin bước vào trường nhạc viện TP.HCM theo đuổi đam mê. Em rất tự hào về các thầy cô của trường…”. Còn với Thanh Tùng, hiện là ca sĩ chuyên nghiệp của Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Bình Dương, nói: “Học trung cấp kiến thức chỉ ở cấp độ 1 nhưng các thầy đã đào tạo cho học trò của mình nhiều hơn thế, có thể lên cấp độ 2, em hãnh diện với mọi người khi nói mình đã tốt nghiệp ở đây”.
Thầy Sinh chia sẻ thêm, hiện tại khoa còn đang tiếp tục bồi dưỡng nhân tài “nhí” của giải đặc biệt Đồrêmí ngày nào Hà Phạm Anh Thư. Chính thầy là người dẫn dắt Thư từ những bước đầu tiên và cũng chính thầy đề nghị với ba mẹ Thư cho em học chuyên nghiệp tại trường. Hy vọng bằng sự đam mê và khổ luyện chắc chắn Thư sẽ thành công. Và còn nhiều những bạn khác khiến thầy cô của trường cảm thấy vui, tự hào và hãnh diện…
Đó chính là tín hiệu đáng mừng của khoa Nghệ thuật - Trình diễn trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Tiếp theo, để học sinh thêm tự tin trên con đường mình đã chọn, trường đã bổ sung thêm nhiều môn như: đệm đàn, tin học âm nhạc, kỹ năng biểu diễn… đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, trường cũng đã hoàn thành 90% bộ khung cho các lớp piano, guitar, violon, organ, sư phạm âm nhạc tạo sự phong phú để các bạn lựa chọn nghề cho tương lai.
SONG ANH