Thời cơ là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong lý luận quân sự và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến thì phải biết vận dụng và tranh thủ thời cơ một cách đúng đắn, chính xác, khoa học và sáng tạo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về lý luận quân sự và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài học đó là sự vận dụng đúng đắn, chính xác, khoa học và sáng tạo thời cơ để giành thắng lợi.
Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám 1945 là minh chứng sống động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay từ khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Khi phát xít Nhật nổ súng lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương (ngày 9-3-1945), với Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận định tình hình và dự đoán hai tình huống có thể diễn ra: Thứ nhất, quân đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; thứ hai, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Và, tình hình đã diễn ra đúng như dự đoán thứ hai của Đảng. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.
Lúc này, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh nhận định thời cơ “ngàn năm có một” cho chúng ta giành chính quyền đã xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải hành động mau lẹ và kiên quyết. Nếu không kịp thời phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì “vạn năm” cũng không thể được, bởi lúc này quân Tưởng và Anh đang sẵn sàng nhảy vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu mới của chủ nghĩa đế quốc trên danh nghĩa Đồng minh. Nếu để muộn hơn mới phát động tổng khởi nghĩa, chắc chắn cách mạng Việt Nam sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách mới và thắng lợi sẽ khó nắm chắc trong tầm tay.
Trước tình thế thuận lợi nhưng vô cùng khẩn cấp đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945) đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của Việt Nam, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó nêu quyết tâm: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh tổng khởi nghĩa, từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, nhân dân cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa và đã giành được chính quyền trên phạm vi cả nước.
73 năm đã trôi qua, nhưng bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ để giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là bài học quý để lãnh đạo các địa phương sáng tạo vận dụng trong giai đoạn bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay.
LÊ QUANG