Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều về cách tính lương hưu mới, nhưng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi cũng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành hơn 71% vào sáng qua (20-11). Luật gồm 9 chương, 125 điều, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Theo ý kiến của nhiều người, cách tính lương hưu mới sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
Theo Luật BHXH sửa đổi, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng BHXH. Cụ thể, từ 1-1-2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đối với lao động nữ và 16 năm đối với lao động nam. Đối với lao động nam, từ năm 2019 mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương tứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc thực hiện theo lộ trình như trên là để người lao động có thời gian thích nghi với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt là đối với lao động nữ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, căn cứ theo cách tính này thì lương hưu của người lao động trong khu vực Nhà nước sẽ rất thiệt thòi, bởi mức lương và mức đóng BHXH của người lao động khu vực này thường rất thấp trong những năm đầu công tác. Công chức, viên chức thường có thời gian làm việc 20-30 năm. Những năm đầu, mức lương tương đối thấp nên nếu tính lương hưu theo bình quân gần như toàn bộ thời gian đóng BHXH thay cho mức bình quân 5 năm cuối như trước đây, thì chắc chắn lương hưu của lao động khu vực này sẽ giảm khá mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng không thể so sánh mức lương trong và ngoài Nhà nước vì vốn dĩ khu vực tư nhân luôn có mức lương cao hơn so với khu vực Nhà nước. Đó là chưa kể, mức đóng BHXH của người lao động khu vực Nhà nước thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước. Nhiều người cho rằng, xưa nay vốn dĩ các vị trí công việc trong khu vực Nhà nước thu hút nhiều lao động là vì có những chính sách ưu tiên hơn so với khu vực tư nhân. Mặc dù lao động khu vực Nhà nước có mức lương thấp nhưng ổn định, có thể duy trì được kinh tế gia đình sau khi về hưu. Nhưng với cách tính lương hưu mới, khu vực Nhà nước sẽ không còn sức hút lao động, đặc biệt là những nhân tài.
Điều mà nhiều người đặc biệt quan tâm là thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH sửa đổi không chỉ làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực thi hành.
LÊ QUANG