Khi bộ trưởng trả lời câu hỏi khó…

Cập nhật: 19-11-2014 | 08:25:50

Hôm qua, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng:

 “Tại sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác, một dạ hai vâng nhưng ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng. Nguyên nhân chính do đâu, giải pháp đột phá nào để Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước khắc phục tình trạng này?”.

 Trước một vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng cho rằng, đây là một câu hỏi khó!

Còn nhớ, trước khi chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2014 diễn ra, dư luận xôn xao trước những thông tin về việc gần như toàn bộ các em đạt vòng nguyệt quế trong vòng chung kết chương trình này, sau khi nhận được học bổng du học, học xong, đều không về nước làm việc! Thực tế, nhiều người có trình độ chuyên môn cao không muốn vào làm việc, cống hiến tại các cơ quan Nhà nước, thậm chí một số cán bộ công chức có năng lực, cũng “nhảy ra” làm ngoài. Hiện tượng “chảy máu chất xám” này cũng đã được cảnh báo từ khá lâu. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thậm chí “lười nhác, một dạ hai vâng nhưng ham muốn trở thành lãnh đạo” cũng là một thực tế khá sinh động. Vì vậy, vấn đề này rõ ràng là một câu hỏi khó dành cho người đứng đầu ngành nội vụ.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay cơ chế sử dụng người tài, khuyến khích những người có trình độ chuyên môn cao trong các cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức chưa đúng với phẩm chất, trình độ, năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ chậm được cải thiện. Đặc biệt, công tác thi tuyển đầu vào đối với cán bộ, công chức còn phát sinh những hiện tượng tiêu cực, một số cơ quan Nhà nước cũng chưa thực sự tuyển được người có năng lực, tâm huyết…

Trước thực trạng này, trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ Nội vụ và các bộ ngành đã, đang thực hiện đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới; sử dụng, trọng dụng người có tài năng, phẩm chất, làm được việc. Bộ này cũng đã được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đến các nhà khoa học trẻ. Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án để trình Chính phủ phê duyệt triển khai. Song song đó, việc thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giảm biên chế với người không đáp ứng được công việc cũng sẽ được siết chặt, bộ đã trình Thủ tướng ban hành văn bản thay thế Nghị định 132, có thể triển khai ngay đầu năm 2015…

Như vậy, trước “câu hỏi khó”, người đứng đầu ngành nội vụ của đất nước đã có câu trả lời thỏa đáng, làm an lòng cử tri cả nước. Các giải pháp cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu ra khá cụ thể nhưng chắc chắn đại biểu và cử tri còn có quyền yêu cầu nhiều hơn thế, đó là hiệu quả thực hiện các giải pháp này như thế nào. Mong rằng, với những giải pháp đã được bộ trưởng đề ra, người có năng lực, tâm huyết sẽ có điều kiện cống hiến cho đất nước và tình trạng “cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” sẽ không còn diễn ra.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=931
Quay lên trên