Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, cũng như coi trọng vai trò của người thầy giáo. Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không thể nói gì đến phát triển kinh tế, văn hóa. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục. Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Điều này đã thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Gần 30 năm đổi mới, đất nước đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, trong đó có ngành GD-ĐT. Sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đã tạo sự khởi sắc cho nền giáo dục nước nhà trong quá trình phát triển và hội nhập. Chất lượng dạy và học ở các cấp học từ mầm non đến đại học từng bước được nâng cao. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Hiện nay, đây đó, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác GD-ĐT tạo ở đó đang gặp phải không ít khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên luôn trong tình trạng thiếu thốn, thu nhập và điều kiện sinh hoạt, cuộc sống có nơi còn quá khó khăn… Đó là nỗi trăn trở và cũng là nỗi lo thường trực của đội ngũ những người làm công tác quản lý, những thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng.
Đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần có định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng bắt đầu từ năm học 2014- 2015. Và dù áp dụng phương án tối ưu nào thì việc đổi mới phải lấy quyền lợi học sinh làm trung tâm.
Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là thời cơ rất thuận lợi cho ngành GD-ĐT nước nhà để tiến hành việc đổi mới. Tuy vậy, thách thức phía trước không phải là ít. Trong đó, việc thay đổi nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, của mô hình và chương trình đào tạo, của việc thay đổi cách dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá nhằm chuyển một cách căn bản từ nặng về truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học phải là một bước chuyển có tính đột phá. Vì vậy yêu cầu đổi mới giáo dục phải là thực chất, không hình thức.
NHẬT HUY