Báo chí là công cụ để đòi lại Hoàng Sa

Cập nhật: 30-11-2011 | 00:00:00

Thật tuyệt vời! Tuyệt vời là vì từ đây mọi người, trong đó có người làm báo, có quyền công khai suy nghĩ về một vấn đề lâu nay được cho là “nhạy cảm”. Dẫu biết đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ là một việc lớn và lâu dài, nhưng được góp tiếng nói để thể hiện lòng yêu nước cũng cảm thấy thỏa tấm lòng. Được thể hiện tiếng nói chính là bước đầu tiên người dân góp sức đòi lại Hoàng Sa. Được góp tiếng nói tức là Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân tham gia vào sự nghiệp lớn này.

Trong các “Giải pháp đòi lại Hoàng Sa” của Quỹ nghiên cứu biển Đông vừa được công bố, có một giải pháp hết sức quan trọng, có thể xem là giải pháp của mọi giải pháp, đó là: “Nhà nước cần phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn dân và kiều bào để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này. Nhân dân ta thông hiểu đầy đủ thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều trên toàn thế giới. Chúng ta cần kêu gọi tập trung chứng cứ về Hoàng Sa, đồng thời đề nghị các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống hóa các chứng cứ này”.

Phổ biến thông tin về Hoàng Sa đến người dân và bạn bè quốc tế là nhiệm vụ của báo chí. Do vậy, báo chí chính là công cụ để đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Sử dụng công cụ báo chí là để nói cho toàn dân biết sự thật về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974, từ đó kêu gọi mọi người dân trong nước cùng đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông. Để làm được việc đó, báo chí phải thường xuyên đề cập đến vấn đề này. Có như vậy thì vấn đề đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình mới đến được sâu rộng trong toàn dân, tạo cơ sở cho toàn dân cùng góp sức.

Trong tình hình tranh chấp biển Đông được công khai hóa và được đưa ra thảo luận rộng rãi dưới tinh thần nhìn thẳng vào sự thật như hiện nay thì vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng. Cùng với những giải pháp, sáng kiến khác, chắc chắn báo chí sẽ là công cụ hữu hiệu để đòi lại Hoàng Sa nói riêng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung. LÊ QUANG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên