Bao giờ ngành chăn nuôi mới phát triển ổn định?

Cập nhật: 24-05-2013 | 00:00:00

Bao giờ ngành chăn nuôi mới phát triển ổn định?

Thời gian gần đây, người chăn nuôi trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang điêu đứng vì giá cả đầu vào tăng cao, đầu ra bấp bênh, dẫn đến tình trạng nhiều trang trại, hộ chăn nuôi phải “treo chuồng” vì nợ nần! Vậy đâu là giải pháp để có thể vực dậy ngành chăn nuôi, tạo sự phát triển bền vững?

Thực trạng ngành chăn nuôi

Không riêng gì Bình Dương, mà người chăn nuôi tại các tỉnh trong khu vực đều gặp khó khăn, đặc biệt là chăn nuôi heo, gà. Nguyên nhân là do giá thức ăn gia súc (TAGS) tăng cao, trong khi đầu ra sản phẩm bị o ép bởi thương lái, dẫn đến giá bán dưới giá thành, người chăn nuôi thua lỗ. Hiện nhiều trang trại buộc phải chọn giải pháp thu hẹp sản xuất hoặc “treo chuồng” để cắt lỗ. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đỗ Thái Vinh, 39 tuổi, kỹ sư nông nghiệp và là chủ một trang trại nuôi heo tại xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, cho biết: “Bình quân mỗi năm trang trại của tôi xuất chuồng khoảng 25 - 30 tấn heo, nhưng với giá cả như hiện nay thì trung bình một tạ heo bán ra, tôi chịu lỗ 300.000 đồng. Đây mới chỉ tiền thức ăn mà chưa tính các chi phí khác như khấu hao chuồng trại, công chăm sóc, điện nước. Vì vậy, mặc dù rất muốn mở rộng sản xuất, tôi buộc phải giảm số đầu heo đang nuôi để giảm lỗ”. Không chỉ những người nuôi heo như anh Vinh gặp khó khăn mà các chủ trại nuôi gà cũng cùng chung cảnh ngộ!  

Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi là một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp. Trong ảnh: Một chủ trang trại chăn nuôi cho biết đang bị lỗ vì giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành

Tương tự, tình cảnh của những người nuôi nhím bán thịt cũng bi đát không kém. Trước đây, khi đặc sản thịt nhím lên ngôi, giá bán bình quân mỗi cặp nhím thịt là 20 triệu đồng. Người nuôi nhím ai cũng thấy viễn cảnh làm giàu như hiển hiện trước mắt nên nỗ lực mở rộng chuồng trại. Tuy nhiên, những hộ nuôi nhím theo kiểu phong trào này chỉ thu lãi được một vài lứa đầu rồi thị trường “đóng băng”. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người bỏ số tiền vài triệu đồng để thưởng thức món đặc sản này ít dần, kéo theo giá bán nhím thịt của các trang trại tuột dốc không phanh! Ông Phạm Văn Bao, chủ một trại nuôi nhím ở xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi nhím cách đây 5 năm với khởi đầu khoảng 40 con, lứa nhím thịt đầu tiên bán ra gia đình tôi lời khoảng 300 triệu đồng. Nhưng nay thì giá nhím rớt thảm hại, bình quân mỗi cặp chỉ còn 1,5 triệu đồng. Giá thấp nhưng vẫn không bán được nhím, bởi trại nhà tôi còn tồn 50 con nhím mà không thấy ai hỏi mua”!

Xét về điều kiện, Bình Dương hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là ở các huyện như Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo, bởi những huyện này đều có diện tích đất rộng, lại xa khu dân cư, giao thông thuận tiện, thích hợp để mở trang trại chăn nuôi mà không lo gây ô nhiễm môi trường hay lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, Bình Dương là một tỉnh công nghiệp phát triển, lại nằm sát TP.Hồ Chí Minh, nên có đầu ra thị trường tốt. Tại các trung tâm thương mại và các chợ, nếu nhìn vào bảng giá bán các sản phẩm chăn nuôi mà kết luận người chăn nuôi đang thua lỗ là khó thuyết phục. Như vậy, nhu cầu của thị trường là có, giá cả sản phẩm chăn nuôi tại thị trường khá tốt, nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ là do giá bán ra của trang trại thấp, nhưng qua nhiều khâu trung gian và khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì giá đội lên cao. Tình hình này kéo dài khiến người chăn nuôi giảm quy mô chuồng trại hoặc “treo chuồng” để cắt lỗ, còn người tiêu dùng thì chuyển sang dùng sản phẩm khác, khiến ngành chăn nuôi vốn đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn.

Giải pháp cho ngành chăn nuôi

Đa số các trại chăn nuôi ở Bình Dương có quy mô vừa và nhỏ, người dân tự tổ chức mà ít chú ý đến khuyến cáo của các ngành chức năng; khâu tiêu thụ sản phẩm làm ra phần lớn phụ thuộc vào thương lái. Trong bối cảnh giá bán không bù đắp được chi phí như hiện nay thì việc duy trì ngành chăn nuôi là không dễ, nếu không được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp hỗ trợ. Trong khi đó, gắn với đời sống dân sinh là lương thực và thực phẩm, sản xuất lúa gạo hiện đã được Nhà nước quy định giá sàn và chủ trương xuất vốn Nhà nước mua tạm trữ để dân có tiền đầu tư tái sản xuất thì cũng nên áp dụng phần nào chính sách trên đối với ngành chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Mỹ (Tân Uyên): “Chính phủ nên quy định giá sàn nhất định để người chăn nuôi yên tâm đầu tư cho ngành này”.

Tuy nhiên, “chìa khóa” của bài toán vẫn là làm sao giảm các tầng nấc thương lái trung gian để kéo giá bán sản phẩm tại trang trại chăn nuôi gần hơn với giá sản phẩm chăn nuôi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, để giảm chi phí cho người chăn nuôi, mà phần lớn phụ thuộc vào giá TAGS, trong khi đa số được nhập khẩu, thì việc can thiệp vào giá chỉ được thông qua con đường thuế. Đa số các trại chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bình Dương chưa tiếp cận được với các công ty chế biến thực phẩm lớn trong khu vực để trực tiếp bán sản phẩm làm ra vì không có hóa đơn chứng từ. Do vậy, có thể thành lập một tổ chức có khả năng thực hiện công việc này hoặc có thể thành lập các hiệp hội chăn nuôi ở cấp huyện hoạt động như một “công ty” với sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Lúc đó, các hộ chăn nuôi đóng vai trò như một cổ đông của “công ty”. “Công ty” sẽ là nơi nắm chắc số lượng, thời gian xuất bán sản phẩm của các đơn vị con thuộc mình quản lý để chủ động hợp đồng bán hàng, bao đảm các khâu về kiểm dịch cũng như hóa đơn chứng từ, đưa sản phẩm của người chăn nuôi ra thị trường mà không phụ thuộc nhiều vào thương lái như hiện nay.

Việc quy hoạch cụ thể chăn nuôi gia súc gia cầm của các cơ quan Nhà nước, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò quyết định đến phát triển bền vững của ngành. Do vậy ngành cần có định hướng vật nuôi, phải khuyến cáo địa phương nào nên nuôi con gì, số lượng bao nhiêu, đầu ra tiêu thụ ở đâu, hướng phát triển như thế nào? Một khi giải quyết được vấn đề này thì người chăn nuôi sẽ giảm được gánh nặng đầu ra, một áp lực vô cùng lớn của tất cả các ngành sản xuất chứ không riêng gì chăn nuôi.

Là một tỉnh công nghiệp, nhưng số lượng người dân sống bằng nghề nông cũng không hề nhỏ, nên việc tạo điều kiện giúp đỡ người dân phát triển chăn nuôi có cuộc sống ổn định, có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền các cấp. Do vậy, các ngành chức năng Bình Dương sớm có những chính sách đúng đắn, nhằm vực dậy ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng ổn định, bền vững.

Yêu cầu về nguồn vốn với lãi suất thấp là “liều thuốc” có tác dụng tức thời để người chăn nuôi có thể giữ lại chuồng trại. Do vậy, bên cạnh việc chủ động giúp đỡ về chuyên môn của các cơ quan chức năng là quan trọng thì vấn đề hỗ trợ vốn ưu đãi cho người chăn nuôi là cần thiết. Song song với những hỗ trợ nói trên của Nhà nước, người chăn nuôi cũng phải “tự cứu” mình trong điều kiện có thể. Đã đến lúc người chăn nuôi phải liên kết cùng nhau để trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như khách hàng làm ăn và việc thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi như ở Long Nguyên, huyện Bến Cát, là một mô hình đáng để học tập.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=336
Quay lên trên