Hạnh phúc trên quê hương thứ hai

Cập nhật: 05-02-2024 | 11:13:24

Hiện nay, Bình Dương có hơn 1,3 triệu lao động, trong đó có hơn 90% lao động là người ngoại tỉnh. Trong số này, rất nhiều người lao động (NLĐ) đã chọn gắn bó và xem Bình Dương là quê hương thứ hai…


Trên quê hương Bình Dương, ngoài thời gian làm việc ở công ty, anh Phạm Như Công tranh thủ chia sẻ công việc gia đình với vợ

Phát triển nghề nghiệp

“Rời quê hương Nghệ An vào đây lập nghiệp đến nay đã gần 20 năm, Bình Dương đã thực sự là quê hương thứ hai của tôi…”, anh Nguyễn Đức Tâm, NLĐ đang làm việc tại Công ty TNHH Zeng Hsing (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II), chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Năm 2005, anh Tâm bắt đầu vào làm việc tại công ty. Anh bảo, nói sao hết những ngày gian khó của thuở ban đầu xa quê vào lập nghiệp tại vùng đất mới. Nhưng với ý chí, quyết tâm, từ một công nhân lao động (CNLĐ) vừa làm, vừa học, anh kinh qua các vị trí tổ phó, tổ trưởng sản xuất, phó khoa, nay là chủ quản bộ phận in của công ty. Anh Tâm cho biết: “Được Ban giám đốc công ty tin tưởng, giao việc gì tôi cũng nỗ lực khắc phục vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi gắn bó với công ty, với quê hương Bình Dương từ ngày đầu mới vào làm việc với thu nhập chỉ hơn 700.000 đồng/tháng. Hiện nay, thu nhập nếu tính luôn cả tăng ca khoảng hơn 30 triệu đồng/tháng, tôi càng thấy yên tâm để gắn bó lâu dài hơn…”.

Anh Tâm chia sẻ ban đầu anh tính vào Bình Dương làm việc một thời gian, tiết kiệm đủ vốn sẽ về quê làm ăn và sinh sống. Tuy nhiên do điều kiện làm việc tốt, Bình Dương không ngừng phát triển giàu đẹp, phong cách sống của người Bình Dương chan hòa và nghĩa tình đã níu giữ chân anh. Rồi anh lập gia đình, vợ anh là người Thanh Hóa, cùng làm chung công ty. Anh chị quyết định ở lại Bình Dương sinh sống. Sau nhiều năm, từ tiền lương dành dụm tiết kiệm, cộng với việc vay mượn thêm người thân và ngân hàng, vợ chồng anh Tâm cũng mua đất và cất được nhà, an cư lạc nghiệp.

Cũng bị thu hút bởi sự chuyển mình phát triển của Bình Dương, vợ chồng anh Phạm Như Công, quê Ninh Bình, sau nhiều năm làm việc, bôn ba khắp khu vực miền Đông, cũng đã dành dụm đủ tiền để mua mảnh đất gần 100m2 xây tổ ấm tại phường Tân Định (TX.Bến Cát). Anh Công cho biết: “Năm 2013, có dịp lên thăm người bạn, cảm nhận được sự phát triển giàu đẹp của Bình Dương nên gia đình tôi đã chuyển đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Đất lành chim đậu, ở đâu có điều kiện sinh sống tốt thì xem đấy là quê hương thứ hai của mình”. Hiện nay, cả hai vợ chồng anh Công đều đang làm ở 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TX.Bến Cát, công việc và thu nhập ổn định, đời sống ngày một khấm khá hơn.

Xây đời ấm no

Để xây tương lai trên quê hương mới, vợ chồng anh Tâm tính hướng khởi nghiệp, mở kinh doanh shop thời trang nam nữ, chủ yếu phục vụ đối tượng là NLĐ. Anh Tâm cho biết sau khi bán nhà cũ trong hẻm, cộng với tiền tích lũy của vợ chồng, người thân cho mượn và vay thêm ngân hàng, đầu năm 2021, gia đình anh đã mua được mảnh đất 150m2 ở mặt tiền đường lớn (đường 19, KCN VSIP II, phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên), với giá mua thời điểm đó là hơn 4 tỷ đồng để vừa ở vừa mở shop bán hàng quần áo, giày dép nam nữ. Vợ anh, chị Phạm Thị Nhuận, đã quyết định nghỉ làm việc ở công ty để tập trung cho công việc kinh doanh và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình.

“Đó cũng là cách tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời có vợ ở nhà quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái mình yên tâm làm việc cho công ty tốt hơn”, anh Tâm chia sẻ. Tiếp lời chồng, chị Nhuận nói: “Bình Dương có điều kiện sống tốt, là nơi đáng sống. Gia đình tôi cũng như nhiều NLĐ ngoại tỉnh khác cảm ơn quê hương thứ hai Bình Dương rất nhiều, vì đã mang lại cho chúng tôi một cuộc sống ấm no và hạnh phúc…”.

Còn anh Phạm Như Công chia sẻ từ ngày về sinh sống và làm việc ở Bình Dương, nhờ những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là những chính sách chăm lo đối với NLĐ ngoại tỉnh, cuộc sống gia đình anh không ngừng được nâng cao, có điều kiện chăm lo cho con cái được học hành tới nơi, tới chốn. Hiện nay, con trai lớn của anh Công đang là sinh viên năm thứ nhất, trường Đại học Thủ Dầu Một, con trai út đang học lớp 6.

“Hoàn cảnh gia đình tôi ở quê ngày xưa nghèo, cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, khó khăn. Tôi không có nhiều cơ hội để học hành, phải lao động vất vả từ nhỏ để giúp đỡ gia đình. Tôi luôn mơ ước một ngày nào đó, tôi sẽ có một cuộc sống tốt hơn và đến nay ước mơ đó đã thành hiện thực. Trên quê hương thứ hai Bình Dương, gia đình tôi đã có những mùa xuân mới ấm no và hạnh phúc hơn…”, anh Công chia sẻ.

“Năm 2013, có dịp lên thăm người bạn, cảm nhận được sự phát triển giàu đẹp của Bình Dương nên gia đình tôi đã chuyển đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Đất lành chim đậu, ở đâu có điều kiện sinh sống tốt thì xem đấy là quê hương thứ hai của mình”.

(Anh Phạm Như Công, một NLĐ xa quê đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai)

KHÁNH PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5663
Quay lên trên