Với niềm tin mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng của dân tộc, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba, Nguyễn Ái Quốc trở về để thay đổi vận hội đất nước. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giải phóng dân tộc (năm 1945), thống nhất đất nước (năm 1975), góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn thời đại của một bậc vĩ nhân.
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở tư duy vượt trội với trái tim yêu nước nồng nàn, được phát triển gắn với tư duy biện chứng duy vật, hòa với sự phát triển trong dòng chảy của tư duy, trí tuệ nhân loại. Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nhận định, tiên đoán về nhiều lĩnh vực, nhất là sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam và vận hội đất nước. Chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn 2024, chúng ta bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt nền móng để đất nước ta ngày một hùng cường, dân tộc ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tầm nhìn thời đại
Những nhận định, tiên đoán thể hiện tư duy chiến lược, tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhiều tác giả và tác phẩm ghi nhận, chứng minh. Ngay từ khi đất nước còn chìm trong đêm trường nô lệ, Người đã tin tưởng sẽ có một ngày đất nước độc lập, dân tộc tự do. Niềm tin mãnh liệt đó đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Khác với các chí sĩ yêu nước, Người quyết định “đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào” thể hiện tư duy vượt trội và tầm nhìn sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, chứng kiến sự áp bức, nô dịch, đau khổ của nhân dân lao động, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. Như vậy, ngay từ khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã thấy được tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế để giải phóng nhân loại. Từ đây, Người nhận định rõ một quốc gia, một dân tộc muốn có sức mạnh phải thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, phải mở cửa, tăng cường hợp tác với bên ngoài; tình trạng bế quan tỏa cảng chỉ làm đất nước suy yếu và đưa đến những hậu quả chính trị nghiêm trọng.
Sau này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng tải trên các báo đã thể hiện tư duy chiến lược của một nhà cách mạng thực tiễn lỗi lạc. Cuối năm 1941, trong bài “Lịch sử nước ta”, do Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản (tháng 2-1942), Người đã dự đoán chính xác năm 1945 Việt Nam độc lập. Tiếp đó, trong bài viết “Năm mới, công việc mới” đăng trên báo Việt Nam độc lập, số ra ngày 1-1-1942, Người đã đưa ra dự báo về thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại, Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”. Những dự báo chính xác của Người dựa trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về xu hướng vận động của cách mạng thế giới.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, định nghĩa về mùa xuân của dân tộc không chỉ dừng lại ở mùa xuân của đất trời, của vạn vật, mà cao cả hơn là hướng đến mùa xuân của đất nước độc lập, dân tộc tự do, mùa xuân của chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết “Cách mạng tháng Mười Nga mở đầu cho các dân tộc trên thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Sau mùa đông lạnh lùng, là mùa xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, chủ nghĩa xã hội”. |
Trong Thư chúc mừng năm mới, đăng trên Báo Nhân dân, số ra ngày 1-1-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”. Đúng như tiên đoán của Người, Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ký ngày 27-1-1973 buộc Mỹ phải đơn phương rút quân khỏi miền Nam. Tuy nhiên, với bản chất xâm lược, Mỹ tiếp tục tăng cường viện trợ cho chính quyền Sài Gòn nhằm kéo dài chiến tranh theo kiểu “Việt Nam hóa”, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Phải đến năm 1975, bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân, đất nước ta mới hoàn toàn thống nhất, non sông mới thu về một mối.
Khát vọng hùng cường
Tư duy mẫn tiệp, tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vận hội đất nước còn thể hiện qua những nhận định, tiên đoán về một Việt Nam hùng cường trong tương lai. Không những mong muốn đất nước độc lập, dân tộc tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ấp ủ khát vọng xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, luôn là nỗi niềm, là mong muốn khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nỗi niềm riêng, mong muốn riêng nhưng cũng chính là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là đích đến mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đạt tới.
Khát vọng ấy đã được thể hiện trong bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 5-9-1945. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Dù thời gian có trôi qua, nhưng nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn coi đây là bản Tuyên ngôn về đất nước hùng cường sau bản Tuyên ngôn độc lập. Bởi, Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy thời điểm ngay sau ngày Quốc khánh, đúng vào dịp khai trường đầu tiên, chọn đối tượng là học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước, để truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin, hy vọng về xây dựng đất nước hùng cường, có lẽ không có sự lựa chọn nào thích hợp hơn. Thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp nối đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu cả về phẩm chất, năng lực, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc giải phóng đất nước và sự nghiệp đổi mới. Thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam thực sự đã làm rạng danh đất nước, đặt nền móng vững chắc, tạo tiền đề đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.
Tiếp nối kỳ vọng, niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước hùng cường, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng, Nhà nước ta đang dần hiện thực hóa sinh động khát vọng ấy trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay. Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước thời cơ mới, vận hội mới, thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng không ít, nhưng chính nhờ ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo đà để dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
LÊ QUANG