Vụ ngư dân Cần Giờ nhận được tiền đền bù lô hàng gần 2 tấn bạch tuộc do Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ trái phép dẫn đến hư hỏng là kết quả có hậu của một vụ khiếu kiện mà từ đầu nhiều người cứ lầm tưởng “con kiến kiện củ khoai”! Chính “người trong cuộc” là ngư dân Nguyễn Văn Đông (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) cũng cho rằng lúc bắt đầu vụ khiếu kiện ông vẫn nghĩ kiện cho đỡ ức chứ ai bồi thường! Tuy nhiên, kết quả của vụ khiếu kiện cho thấy, cơ quan công quyền, mà cụ thể là Công an tỉnh Hải Dương đã rất cầu thị trong việc sửa sai.
650 triệu đồng tiền đền bù tuy lớn đối với tổ chức và những cá nhân làm sai, nhưng không lớn bằng việc củng cố niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền theo hướng làm sai phải sửa và ai sai người đó phải bỏ tiền túi để đền bù. Điều này cũng đã được người đại diện Công an tỉnh Hải Dương trực tiếp giải quyết vụ việc, khẳng định: “Chắc chắn sẽ không có chuyện chúng tôi bỏ ngân sách ra để đền bù. Trong các nghị định, thông tư về việc đền bù thì trường hợp này sẽ không trích ngân sách. Cán bộ công an ăn lương của Nhà nước, làm sai thì phải chịu, gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù. Sau khi làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân thì cán bộ nào làm sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đấy, ai làm sai phải tự bỏ tiền túi đền bù cho dân”.
Việc Công an Hải Dương nhanh chóng đền bù thiệt hại cho ngư dân Cần Giờ được dư luận người dân hoan nghênh, bởi cách giải quyết vụ việc của Công an Hải Dương khác với những gì lâu nay mọi người vẫn thường thấy. Đó là khi cơ quan công quyền làm điều gì đó gây thiệt hại cho dân dẫn tới kiện cáo, tranh chấp thì cuộc đôi co thường dây dưa, kéo dài và bên thua thiệt luôn là người dân. Còn Công an Hải Dương không chỉ đứng ra nhận trách nhiệm mà còn “lệnh” cho cơ quan cảnh sát môi trường - đơn vị trực thuộc Công an Hải Dương, nhanh chóng thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho dân ngay sau khi kết thúc buổi làm việc giữa hai bên. Điều đó cho thấy mặc dù là đơn vị thực thi pháp luật, nhưng khi nhận ra sai trái thì cơ quan này không dây dưa mà nhanh chóng giải quyết vụ việc một cách công khai, công bằng, sòng phẳng.
Không phải đến bây giờ mà từ rất lâu, lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành Trung ương đều khuyến khích các đơn vị trực thuộc làm sai thì phải sửa, có sửa sai thì mới tiến bộ. Ngay tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhắc đi nhắc lại yêu cầu chính quyền “phải công bằng” khi giải quyết khiếu nại của người dân, vụ việc nào chính quyền làm sai thì phải công khai việc sửa sai để bà con được rõ; vụ nào bà con chưa nắm rõ, chưa hiểu đúng thì cán bộ phải giải thích kỹ lưỡng và giải quyết cho dứt điểm, không để kéo dài.
Từ vụ việc nói trên, bài học rút ra là nếu có xung đột pháp lý với cơ quan công quyền người dân cần biết lên tiếng khi nắm chắc mình đúng và cơ quan công quyền nếu biết sai phải sửa. Có như vậy xã hội mới ngày càng tốt đẹp, văn minh.
LÊ QUANG