Hai câu chuyện liên quan đến ngành giáo dục mà báo chí đề cập đến trong những ngày qua thực sự đúng với câu nói cửa miệng của người đời, rằng nghèo mà chơi sang! Câu chuyện thứ nhất là một hội nghị do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tiêu tốn hết 115.000 USD mà nhiều cán bộ trong ngành được triệu tập cho rằng hoàn toàn không cần thiết. Câu chuyện thứ hai liên quan đến ngành giáo dục thuộc một tỉnh nghèo với việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh trường học với cái giá không thể tưởng tượng được.
Nói ngành giáo dục nước nhà đang nghèo chẳng có gì quá đáng, bởi dù ngân sách đầu tư cho ngành tương đối lớn nhưng so với nhu cầu thực sự vẫn thiếu hụt tứ bề. Từ thực tế đó, lẽ ra ngành giáo dục phải tiết kiệm tối đa mọi chi phí không cần thiết để tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất, chăm lo cho đời sống giáo viên và nhiều vấn đề thiết yếu khác thì chắc chắn sẽ được xã hội hoan nghênh. Vậy mà, ngành giáo dục vẫn điềm nhiên triệu tập cả ngàn cán bộ tụ họp trong hai ngày chỉ để triển khai thông tư hướng dẫn với chi phí vài tỷ đồng thì quả là lãng phí không thể bào chữa. Điều đáng nói là trước đó không lâu, chính lãnh đạo của Bộ Giáo dục - Đạo tạo ký công văn yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải hạn chế tối đa những hội nghị tập trung không cần thiết để thực hành tiết kiệm! Và, với hội nghị như vừa nêu, theo nhiều cán bộ trong ngành là hoàn toàn có thể tổ chức trực tuyến, vừa không mất thời gian, công sức lại tiết kiệm chi rất đáng kể. Vậy vì lý do gì mà có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục nước nhà.
Câu chuyện thứ hai dù chỉ trong phạm vi ngành giáo dục một tỉnh, nhưng thực sự nhức nhối bởi cái cách đầu tư xây dựng chẳng giống ai và sự lãng phí là rất rõ ràng. Không ai có thể tưởng tượng nổi tại những ngôi trường xập xệ ở một tỉnh nghèo như Quảng Ngãi lại mọc lên những nhà vệ sinh có giá xây dựng tới 750 triệu đồng, nhưng đó là chuyện đang diễn ra ở địa phương này. Không những một mà có những trường có tới hai nhà vệ sinh có giá xây dựng cao “chót vót” như vậy trong một thời gian ngắn. Chính những cán bộ, giáo viên ở những ngôi trường được đầu tư nhà vệ sinh cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bởi cái họ và những học trò thân yêu cần hơn là trường lớp, trang thiết bị dạy và học. Nhà vệ sinh trong trường học cũng là một vấn đề đáng quan tâm, nhưng “chơi sang” với công trình này để đặt bên cạnh những ngôi trường nghèo thì quả là trái khoáy hết chỗ nói. Thế mới biết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nói thì dễ nhưng thực hành không dễ bao giờ!
CẢNH HƯỞNG