Theo số liệu công bố của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế: Năm 2012, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận có 168 vụ ngộ độc thực phẩm làm cho 5.500 người bị ngộ độc; 4.300 người phải nhập viện điều trị, trong đó có 34 trường hợp tử vong. Tất nhiên đây cũng chỉ là con số tương đối, vì thực tế số vụ ngộ độc, số người vong mạng còn có khả năng nhiều hơn; bởi chúng ta chưa có hệ thống giám sát tình hình ngộ độc thực phẩm một cách căn cơ, bài bản và chính xác. Những năm gần đây, nỗi lo về an toàn thực phẩm luôn thường trực ở mọi người; ai cũng thực sự e ngại và bức xúc vì sử dụng thực phẩm không an toàn trước mắt có thể bị ngộ độc cấp thời, dễ nhận thấy; song nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn chính là sự tích tụ dần các chất độc hại tồn lưu trong cơ thể mà sinh ra bệnh, thậm chí dị tật ảnh hưởng lâu dài cho cả thế hệ mai sau.
Nỗi lo này càng thêm rộng, khi tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng trở nên phổ biến hơn với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Không ít kẻ bất lương, hám lợi tìm cách nhập lậu các loại gia súc, gia cầm, thịt bẩn… mang hóa chất độc hại, lẩn tránh khâu kiểm dịch; đưa các loại phụ gia, chất cấm vào việc chế biến; nơi sản xuất, chế biến không bảo đảm các điều kiện ATVSTP… tiếp tục thách thức với sức khỏe, đời sống cộng đồng. “Rằng lo thì thật là lo” nhưng cũng cần nhận thức rõ vấn đề để mọi người cùng chung tay đấu tranh với các vi phạm ATVSTP; đặc biệt là phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng duy trì kiểm tra thường xuyên, sớm được hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn ngừa, phòng chống loại tội phạm này thêm hiệu quả. Có như thế mới khả dĩ chặn tay bọn làm ăn bất chính, giúp cho người tiêu dùng vượt qua những “mưu ma, chước quỷ” đầy những toan tính lọc lừa, gian trá của kẻ bất lương.
THANH NHÀN