Ngay sau buổi thi đầu tiên, khi đề thi môn văn được đưa lên mạng, cộng đồng mạng đã xôn xao với nhiều nhận xét bày tỏ sự ủng hộ, khen ngợi, như: “Một đề thi cực kỳ hay và có tính giáo dục ý thức trách nhiệm cao”; “Đề thi môn văn năm nay đưa nội dung về tấm gương của em Nguyễn Văn Nam dũng cảm hy sinh để cứu sống 5 em nhỏ trong dòng nước xiết là vô cùng thiết thực, tưởng như chỉ là một đề văn thông thường nhưng nó có một sức mạnh giáo dục, tuyên truyền lan tỏa sâu rộng cho tất cả thế hệ cùng trang lứa nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung. Với tôi khi đọc đề văn này bản thân đã tự nhắc nhở và điều chỉnh những hành vi của mình, trong những năm sau Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nên đưa vào những điều sát thực với cuộc sống hàng ngày. Cảm ơn đề văn, một bài học đáng giá”; “Theo cá nhân tôi đề thi năm nay có nhiều thay đổi, rất ý nghĩa. Tôi thấy đưa vấn đề thời sự xã hội vào đề thi sẽ phần nào đó giúp các em có cái nhìn, học tập thực tế về ý thức, đạo đức lối sống con người. Hơn nữa đề thi một phần nằm ngoài kiến thức trong sách giáo khoa sẽ giúp các em có cái nhìn, học tập tổng quát hơn”; “Nếu như trong chiến tranh chúng ta ca ngợi những anh hùng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc, vậy tại sao trong thời bình chúng ta không ca ngợi những anh hùng như học sinh Nguyễn Văn Nam…”.
Em Nguyễn Văn Nam, nhân vật được đề cập trong đề thi đã mãi mãi ra đi vào chiều 30-4 sau khi cứu 5 em nhỏ thoát khỏi cái chết trong gang tất. Hành động dũng cảm xả thân cứu người của em Nam đã được báo chí đưa tin, gây xúc động cho nhiều người. Ngay sau đó, Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT đã có bằng khen truy tặng em vì hành động dũng cảm này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có thư khen ngợi hành động dũng cảm của em và động viên gia đình em. Bức thư của Chủ tịch nước có đoạn: “Tôi vô cùng xúc động trước hành động dũng cảm quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Em là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập”.
Hiện nay, khi tình trạng đạo đức xuống cấp đang xảy ra ở một bộ phận thanh thiếu niên thì hành động dũng cảm xả thân cứu người của Nam là tấm gương sáng về tình thương yêu con người để thanh thiếu niên, học sinh tự soi rọi lại mình. Việc Bộ GD-ĐT đưa sự kiện này vào đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay thêm một lần nữa tôn vinh hành động dũng cảm xả thân cứu người của em Nam; đề cao những tấm gương dám hy sinh vì người khác, chống lại thói ích kỷ hẹp hòi trong giới trẻ. Đề thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức học sinh đối với các vấn đề thời sự xã hội, mà còn khẳng định một điều: Người tốt ắt được tôn vinh.
LÊ QUANG