Nâng niu tuổi thơ, không chỉ các bậc phụ huynh mà cả xã hội cùng chung tay, bởi tuổi thơ hôm nay là rường cột của tương lai. Chăm sóc, ươm mầm là mong ước về một thế hệ ở thì tương lai đủ sức gánh vác giang sơn, sự nghiệp. Ở trong mỗi gia đình, con em là “tâm điểm” để quan tâm, từ chuyện ăn, ngủ, học hành, vui chơi...
Yêu thương, nâng niu con trẻ đó là dấu hiệu đáng phải mừng của một lối sống hiện đại ở những gia đình trẻ. Nhưng cũng có một điều cần phải nói, đó là đừng biến sự yêu thương, nâng niu đó thành sự tâng bốc thái quá. Không khó để nhận ra sự “biến thể” này khi có dịp đến với những ngày hội ở các trường mầm non hoặc các khu vui chơi thiếu nhi công cộng. Ở đó có không ít những ông bố, bà mẹ trẻ cứ mặc nhiên coi con mình là số một! Một cháu bé lên sân khấu biểu diễn văn nghệ hoặc kể chuyện là ngay tức khắc bố quay phim, mẹ chụp hình không ngưng nghỉ, bất chấp hàng trăm cặp mắt khó chịu đổ về vì sự “lăng xăng” thái quá của họ. Ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của con trẻ là việc nên làm, nhưng hãy vì cái chung để biết nhường nhịn, biết dừng lại đúng lúc. Khổ thay có những ông bố, bà mẹ chẳng nhận ra điều đó.
Dễ nhận biết dấu hiệu “con mình là số một” nhất là tại các hạng mục trò chơi ở sân trường. Các trò chơi như máng trượt, cầu quay... thường thu hút đông các bé. Thay vì dạy con nhường nhịn trước sau lại có những bậc phụ huynh lại tranh phần cho con mình chơi trước buộc nhiều phụ huynh khác phải lắc đầu ngao ngán. Lại có những cháu bé trêu ghẹo nhau một cách hồn nhiên làm cho bạn khóc, hoặc xô đẩy nhau lở té ngã, đa phần các bậc làm cha, làm mẹ coi đó là chuyện thường tình để động viên nhắc nhở con bạn, con mình. Nhưng có không ít phụ huynh cứ mặc nhiên cho con mình là đúng, “xả” ra nhiều lời lẽ không ai muốn nghe ở một môi trường nhiều con trẻ.
Chuyện ăn, chuyện chơi của con trẻ là vậy, chuyện học hành mới đáng nói hơn. Là phụ huynh chẳng ai không muốn con mình học giỏi, học chăm. Nhưng cái sự học giỏi tự thân sẽ minh chứng tất cả chứ xin đừng vội khoe khoang. Đánh giá sức học con em mình không ai bằng thầy, bằng cô, bằng bạn bè cùng lớp. Khổ thay có nhiều phụ huynh vẫn cứ “nổ” văng trời rằng con mình là nhất, là số một, mặc dù chính các cháu chưa chắc đã muốn ba mẹ mình phải “nổ”!
Nâng niu, thương yêu con trẻ là cả một nghệ thuật, nhiều nhà tâm lý đã khuyên vậy. Nâng niu, thương yêu thái quá, coi con mình là nhất, là số một không chừng lại gieo vào các cháu một lối suy nghĩ lệch lạc về bản thân mình và điều đó là rất tai hại.
CẢNH HƯỞNG