Bình Dương: Đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực

Cập nhật: 01-07-2013 | 00:00:00

Trao trang thiết bị nội thất thiết yếu cho các gia đình người có công (NCC); xây dựng nhà tình nghĩa; mua thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách… là những việc làm thiết thực mà Bình Dương đền ơn đáp nghĩa cho các đối tượng, gia đình chính sách trong thời gian qua.

Những việc làm ý nghĩa

 Một trong những việc làm ý nghĩa nhất là việc xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tạo nơi ăn chốn ở ổn định cho gia đình NCC. Bằng các nguồn quỹ vận động từ các tổ chức, cá nhân, thời gian qua, Bình Dương đã xây tặng 66 nhà tình nghĩa trị giá gần 6,35 tỷ đồng, sửa chữa 207 nhà tình nghĩa khác gần 6,2 tỷ đồng; đồng thời Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng đã trích hơn 2 tỷ đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để trao tặng thiết bị nội thất như tủ, bàn ghế, giường… cho 96 gia đình mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thương binh nặng và các hộ gia đình chính sách nghèo. Những việc làm này tuy không lớn nhưng có ý nghĩa thật cao cả. Tất cả các đối tượng, gia đình chính sách được hưởng rất vui và hạnh phúc. Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, xem đây là một lời tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đi trước, bởi ngoài giá trị vật chất, việc làm ý nghĩa này còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay dành cho những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; bảo vệ và xây dựng đất nước. Như lời mẹ VNAH Nguyễn Thị Sáu ở xã An Sơn, TX.Thuận An nói: “Má không dành riêng gì cho mình, chỉ chiếc tủ thờ đó như “tổ ấm” dành riêng cho chồng, cho con của má”.

Mẹ Hồ Thị Thang trong căn nhà mới có đầy đủ tiện nghi

Thật vậy! Có dịp đến nhà mẹ Hồ Thị Thang ở xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát mới thấy hết ý nghĩa đó. Căn nhà của mẹ nằm sâu trong rừng cao su ấp 1B. Căn nhà thật khang trang và đẹp. Chị Nguyễn Thị Cành, cháu gái kêu mẹ bằng bà dì cho biết: “Ngày trước, Nhà nước cũng có xây tặng cho mẹ một căn nhà tình nghĩa ở quốc lộ 13, thế nhưng lâu ngày sử dụng, căn nhà cũng xuống cấp nên giờ đây, mẹ tiếp tục được Nhà nước xây tặng căn nhà thứ hai. Dù nằm trong vườn cao su, nhưng đây mới chính là nơi mẹ sinh ra và lớn lên. Giấc mơ đã thành hiện thực, do vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, mẹ đã bỏ thêm 50 triệu đồng từ số tiền tích góp của mình”.

Trong căn nhà mới còn thơm mùi sơn, lại đầy đủ tiện nghi từ chiếc tủ thờ, ti vi đến chiếc giường nằm, mẹ Thang vui lắm. Mẹ nói: “Giờ mẹ ăn uống đâu được bao nhiêu, chủ yếu sống vui với con cháu”. Những năm kháng chiến ác liệt, như bao phụ nữ Việt Nam kiên trung khác, mẹ Hồ Thị Thang hết lòng cống hiến cho cách mạng. Chiến tranh qua đi, mẹ sung sướng khi nhìn thấy đất nước hòa bình, nhưng trong thâm tâm mẹ vẫn ẩn chứa nỗi đau quặn thắt bởi các con không về… Mẹ Thang có 2 con đều là liệt sĩ, chồng cũng tham gia kháng chiến.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách

Bình Dương hiện đang quản lý 47.525 hồ sơ đối tượng NCC. Trong đó, có 14.976 hồ sơ liệt sĩ, 10 cán bộ tiền khởi nghĩa, 4 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 3.563 thương binh, 640 bệnh binh, 4.710 NCC giúp đỡ cách mạng, 9.683 cán bộ hoạt động kháng chiến từ trần trước ngày 1-1- 1995 và đặc biệt có 824 mẹ VNAH được phong tặng và truy tặng (hiện còn 40 mẹ còn sống) và một số đối tượng khác. Trong tổng số hồ sơ đang quản lý này, có 8.676 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước.

Xác định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách cũng là nhiệm vụ quan trọng, năm qua, tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu và hướng dẫn cấp huyện tổ chức điều dưỡng cho trên 1.900 NCC trên 2 tỷ đồng; trợ cấp 1 lần gần 5,7 tỷ đồng, trợ cấp ưu đãi giáo dục trên 2,7 tỷ đồng… Đặc biệt, nhân Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho gần 115.000 đối tượng với tổng số tiền trên 73 tỷ đồng; đồng thời đưa 220 NCC tiêu biểu tham quan Hà Nội, Côn Đảo, Phú Quốc với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.

Bà Huỳnh Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: “Hiện nay, hệ thống chính sách đối với NCC được Nhà nước quy định ngày càng hoàn thiện, mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh, các chế độ ưu đãi mở rộng cho nhiều đối tượng như người thờ cúng mẹ VNAH, người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, trợ cấp người phục vụ cho đối tượng hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên…; chính sách miễn giảm một lần thuế chuyển mục đích sử dụng sang đất ở; chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với NCC và con em của họ… Ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước, tỉnh còn luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng. Hàng năm, Bình Dương còn trích ngân sách để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ, Tết Nguyên đán và mở rộng thêm nhiều đối tượng thụ hưởng như người thờ cúng mẹ VNAH, người thờ cúng liệt sĩ, NCC trợ cấp một lần… trích ngân sách mua và cấp thẻ BHYT theo chế độ trung cao để chăm sóc mẹ VNAH, thương bệnh binh nặng, mua cấp thẻ BHYT cho con liệt sĩ đã quá tuổi hưởng; hỗ trợ chi phí tang lễ khi NCC từ trần từ 10 - 20 triệu đồng/người…

Với những việc làm thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, đời sống của các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định và cải thiện. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng như nhân dân Bình Dương đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên