Theo các chuyên gia, những căng thẳng về địa chính trị và kết hợp với chính sách tiền tệ đã và đang là mối lo ngại sâu sắc cho các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Các nhà đầu tư châu Á đang đẩy mạnh đầu tư vào khu vực an toàn trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đào tạo con người tại vùng sở tại. Trong đó Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đã và đang là điểm đến hấp dẫn.
Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn. Ảnh: XUÂN THI
Lấy công nghệ, đào tạo làm nền tảng
Ông Christopher Cheah, nhà sáng lập Trust Capital Advisors Investment Management (Singapore), cho biết các nhà đầu tư thường đẩy mạnh nguồn vốn vào những thị trường có chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ tốt. Ông đưa ra một ví dụ cụ thể như Australia trong 3 năm vừa qua mặc dù kinh tế, thị trường tiền tệ thế giới và châu Á có những thăng trầm, biến động nhưng nhờ chính sách điều hành ổn định của kinh tế vĩ mô kéo theo lãi suất tại các ngân hàng ổn định, thị trường tiền tệ không biến động dẫn đến sự hấp dẫn các nhà đầu tư đến với quốc gia này.
Bên cạnh chính sách vĩ mô về tiền tệ, với sự phát triển và dịch chuyển của công nghệ hiện nay, các chuyên gia cho rằng thị trường muốn phát triển cần phải đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng ngay chính tại khu vực sở tại. Trên thực tế, sự dịch chuyển công nghệ từ vùng phát triển qua vùng đang phát triển sẽ không thể có những mô hình rập khuôn mà cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Một khu vực sản xuất dịch chuyển từ Âu sang Á không thể bê nguyên các robot, công nghệ thực tế ảo và các thiết bị thông minh mà cần điều chỉnh… Trong quá trình điều chỉnh ấy tạo ra những mảng việc làm mới, nhất là mảng thương mại - dịch vụ và đẩy mạnh tiêu dùng cho phù hợp, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sự phát triển nguồn vốn tại địa phương
Theo các chuyên gia, để phát triển đột phá vào năm 2020, bệ phóng quan trọng là nền tảng từ sự thuận lợi từ năm 2019. Chính phủ các nước cần quan tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch năm 2019 về chính sách vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất ngân hàng tốt, từ đó tạo những “bệ phóng” vững chắc cho kinh tế năm 2020.
Tại châu Á, nhất là các nước như Việt Nam, Thái Lan… cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để đón nguồn vốn đầu tư đang dịch chuyển từ châu Âu. Việc đầu tư này sẽ kéo theo công nghệ, trình độ quản trị… Các quốc gia, địa phương cần có chiến lược nâng tầm giáo dục nghề nghiệp, nhất là những kỹ năng thích ứng với công việc và vị trí việc làm thay vì những kiến thức cứng nhắc từ nhà trường.
Bình Dương - điểm đến hấp dẫn
Ông Richard Rekhy, thành viên Hội đồng Quản trị KPMG (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), đánh giá, cuộc họp về vấn đề sự dịch chuyển của thị trường vốn trong thời đại bất ổn đã đưa ra những ý kiến rất thú vị về những cơ hội ở châu Á - một thị trường đang nổi cho các nhà đầu tư phương Tây. Trong đó, một lĩnh vực khá được chú trọng là lĩnh vực công nghệ, hạ tầng.
“Chúng tôi cũng đề cập đến những quốc gia sẽ là thị trường đầu tư tốt như Việt Nam, Thái Lan… đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong những năm tới. Những thị trường đang nổi ở châu Á gồm có Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ. Đây là những nước mà các nhà đầu tư sẽ tìm đến để thực hiện các dự án của mình”, ông Richard Rekhy chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh, Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển kinh tế mới trong nền kinh tế toàn cầu, trong đó phải kể đến Việt Nam cùng với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…
“Cùng với những hiệp định kinh tế được ký kết với 5 quốc gia Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản, sắp tới là Ấn Độ, tôi tin tưởng rằng đây chính là thời điểm mà các quốc gia châu Á đang tiến hành một bước phát triển kinh tế mới. Phát triển từ những ngành nghề gia công cơ bản chuyển hóa lên những ngành nghề hiện đại hơn như trí tuệ nhân tạo, blockchains, công nghệ thông tin… những ngành nghề tập trung nhiều đến tri thức và trí tuệ. Đây cũng chính là một chuyển hóa nâng cấp quan trọng của ngành kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế hiện nay không chỉ tính đến mức độ tăng trưởng mà còn phải kể đến chất lượng tăng trưởng, cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao hơn. Tôi thực sự tin tưởng vào sự tăng trưởng mới của nền kinh tế các nước trong khu vực Đông Nam Á. Và tôi nghĩ rằng các quốc gia nên hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa để cùng phát triển”, ông Richard Rekhy nói.
Nhận xét về Bình Dương, ông Richard Rekhy cho biết đây là lần thứ hai ông đến Bình Dương và rất ấn tượng với cơ sở hạ tầng tại đây cũng như việc tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế này. “Tôi nghĩ đây là lý do để chúng tôi đưa Bình Dương vào danh sách các thị trường cần mở rộng đầu tư trên thế giới. Đây là nơi tuyệt vời để các nhà đầu tư có thể đặt niềm tin và hợp tác kinh doanh…”, ông Richard Rekhy chia sẻ.
Theo các chuyên gia, hấp lực của Bình Dương sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới khi tỉnh vừa công bố dự án Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) tại thành phố mới Bình Dương và ký kết hợp tác chiến lược phát triển Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTCBDNC).
Tiến sĩ Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis, cho rằng WTC là một thương hiệu rất mạnh mẽ trên toàn thế giới. WTCBDNC sẽ là một trong những thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam, sẽ là nơi mang lại những đầu tư quan trọng cho Bình Dương.
TIỂU MY - TRÍ DŨNG