Bình Dương: Triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú

Cập nhật: 13-03-2013 | 00:00:00

Chiều qua (12-3), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 đến Bình Dương kiểm tra, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân Bình Dương cho DTSĐHP năm 1992. Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của tỉnh trong việc triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú… 

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Nhân dân phấn khởi góp ý cho bản dự thảo

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cán bộ cấp cao của Ủy ban DTSĐHP năm 1992, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân cho biết, sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác tổ chức triển khai được thực hiện quyết liệt, đúng kế hoạch đề ra và bảo đảm quán triệt đầy đủ những nội dung, định hướng DTSĐHP. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã in ấn và phân phát 300.000 bảng so sánh HP năm 1992 với DTSĐHP năm 1992, bản thuyết minh và phiếu lấy ý kiến để gửi đến từng hộ dân và phòng trọ trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 265.000 hộ dân, số còn lại được phân phát tại các hội nghị.

Bà Trần Thị Kim Vân cho biết, để nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc lấy ý kiến đóng góp nhân dân về DTSĐHP năm 1992, công tác tuyên truyền, phổ biến được lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, trong đó Báo Bình Dương đã đăng tải toàn bộ văn bản thuyết minh trong 9 kỳ, toàn văn bản Hiến pháp 1992 và bản DTSĐHP trong 17 kỳ; đồng thời mở chuyên mục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, phản ánh tin, bài về các hội thảo đóng góp ý kiến trên địa bàn; Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã thực hiện tuyên truyền cổ động, mở chuyên mục, tọa đàm nói về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân cho bản DTSĐHP. Ngoài ra, website tỉnh, các tạp chí, đài truyền thanh địa phương liên tục đăng tin, bài, chủ động phát thanh nhiều chương trình đa dạng về góp ý DTSĐHP năm 1992. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của CBCC, người dân từ thành thị đến nông thôn hiểu đúng, đủ, nhận thức được quyền làm chủ của mình để tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho DTSĐHP.

Có thể nói, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh nên các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, đồng bộ, kịp thời. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều đồng thuận cao với bản DTSĐHP. Các ý kiến có nội dung thể hiện ý thức, trách nhiệm xây dựng đất nước. Qua tổng hợp sơ bộ, tính đến nay, Bình Dương đã ghi nhận được gần 1.200 ý kiến có nội dung đóng góp sửa đổi, bổ sung tập trung vào bố cục, kỹ thuật lập hiến, lời nói đầu và tất cả các chương. Hầu hết ý kiến đều đánh giá cao sự tiến bộ vượt bậc của bản DTSĐHP năm 1992, nhất là việc tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội; chú trọng và khẳng định nhiều vấn đề cơ bản về quyền con người, quyền công dân.

Chú trọng đối tượng công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Đoàn Ủy ban DTSĐHP năm 1992 đã đánh giá cao tỉnh Bình Dương triển khai việc lấy ý kiến nhân dân cho bản DTSĐHP năm 1992 bài bản, khẩn trương, nghiêm túc, có trách nhiệm cao. Ông Trần Ngọc Đường, Thường trực Ban Biên tập DTSĐHP năm 1992 cho rằng: “Bình Dương tổ chức thực hiện bài bản, sử dụng nhiều hình thức đa dạng để lấy ý kiến nhân dân cho bản DTSĐHP. Bình Dương đã làm đúng mục đích của Quốc hội và Ủy ban DTSĐHP đề ra. Tuy nhiên, tôi lưu ý Bình Dương cần quan tâm tổng hợp ý kiến đầy đủ, chính xác, nhất là phải nêu được những tâm huyết của nhân dân”. Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao phương pháp triển khai của tỉnh Bình Dương về việc lấy ý kiến nhân dân. Đồng thời lưu ý Bình Dương nên tổ chức lấy ý kiến bằng các hình thức hợp lý hơn cho từng đối tượng cụ thể như công nhân, nông dân, dân tộc, tôn giáo. Trong đó, phải có thống kê ý kiến đầy đủ, kể cả những ý kiến không đồng tình ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban DTSĐHP năm 1992 cho rằng: Bình Dương đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Trung ương và có nhiều triển khai kịp thời, bài bản, tổ chức quyết liệt việc lấy ý kiến nhân dân cho DTSĐHP năm 1992 và có kết quả sơ bộ rất tốt. Hy vọng Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai tốt hơn nữa trong thời gian tới và báo cáo đầy đủ gửi Ban Chỉ đạo Trung ương kịp thời. “Bình Dương là tỉnh đổi mới rất thành công, trong tương lai Bình Dương sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhanh hơn nhiều tỉnh khác. Do vậy, tôi đề nghị Bình Dương cần có tiếng nói trọng lượng trong việc góp ý cho DTSĐHP. Việc tổ chức lấy ý kiến tại các trường ĐH, CĐ cũng là vấn đề rất quan trọng, vì đây là lực lượng trẻ, có tri thức, các em sẽ có những ý kiến đóng góp sắc, đồng thuận với nhiệm vụ quan trọng của đất nước”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

 

 PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC: Nâng cao trình độ dân trí thông qua việc góp ý cho DTSĐHP

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi Bình Dương là tỉnh đổi mới toàn diện, có nhiều đóng góp to lớn cho sự đổi mới của đất nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong việc triển khai lấy ý kiến nhân dân cho bản DTSĐHP năm 1992, Bình Dương đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQVN tỉnh tích cực tham gia triển khai việc lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, vai trò của Mặt trận được phát huy trong việc tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. Bình Dương đã có 7 hình thức lấy ý kiến nhân dân cho bản DTSĐHP, trong đó có nhiều cách làm sáng tạo. Tuy nhiên, để việc lấy ý kiến nhân dân diễn ra thực chất, toàn diện, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tôi đề nghị Bình Dương cần chú trọng đến việc lấy ý kiến công nhân, nông dân, người lao động, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Để làm tốt những nhiệm vụ này, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Dương hết sức quan tâm đến vấn đề tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992 cho các đối tượng như trên, vì việc sửa đổi HP là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Tôi cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần coi đây là dịp nâng cao ý thức chính trị cho cán bộ công chức, người dân tại địa phương. Do vậy, cần phải tích cực tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP. Qua các kênh thông tin tuyên truyền, CBCC và người dân sẽ nâng cao ý thức chính trị, hiểu đúng, hiểu rõ những điều HP ghi nhận, để tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng đóng góp trí tuệ cho một bản DTSĐHP hoàn chỉnh, toàn diện, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cho bản DTSĐHP năm 1992, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Bình Dương cần phải sáng tạo hơn nữa để có những cách làm hay, tuyên truyền, phổ biến việc lấy ý kiến đến tất cả nhân dân trong tỉnh, phải khơi gợi những vấn đề trong HP cho người dân hiểu đúng quan điểm của Nhà nước ta để họ đóng góp trí tuệ cho bản DTSĐHP chứ chúng ta hoàn toàn không áp đặt. Phải làm cho người dân hiểu đây là đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho những vấn đề quan trọng của đất nước, chứ không phải đây là đợt trưng cầu ý dân. Nếu đóng góp thì người dân phải bàn bạc trên những vấn đề chúng ta khơi gợi theo quan điểm chung của Nhà nước ta…

HỒ VĂN (ghi)

H.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=252
Quay lên trên