Tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, Bình Dương đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, từng bước thăng hạng trong bảng đánh giá chỉ số CĐS, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Người dân có thể nắm bắt thông tin về tiến trình xử lý hồ sơ theo sở, ngành thông qua các dữ liệu hiển thị trên màn hình led tại hệ thống một cửa, Cổng dịch vụ công của tỉnh
Phát triển mạnh mẽ
Trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về CĐS nhằm đánh giá kết quả CĐS 6 tháng đầu năm 2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tiến trình CĐS trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Theo đó, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về CĐS là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS; 7/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 34/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS năm 2022. Các tỉnh, thành đã triển khai phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia; 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng; xây dựng 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên tham gia phục vụ công tác CĐS tại cơ sở.
Đối với việc xây dựng Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như bảo hiểm, hộ tịch điện tử, đăng ký DN… được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và DN. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%.
Các ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Số lượng DN công nghệ số ước đạt 67.300 DN, tăng gần 3.500 DN so với tháng 12-2021, đạt tỷ lệ 0,69% DN trên 1.000 dân. Tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 99%. Tỷ lệ DN đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử là 100%...
Bình Dương tăng bậc chỉ số đánh giá
Năm 2021, Bình Dương là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Nguồn lực của tỉnh chủ yếu phục vụ tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các nguồn lực công nghệ thông tin cũng tập trung cho các công tác nhập liệu, triển khai các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh. Công tác CĐS của tỉnh chưa thực hiện nhiều công việc theo chiều sâu và bám sát bộ tiêu chí đánh giá của quốc gia. Tuy nhiên, năm 2021, Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành, tăng 9 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh thành).
NĂM 2021, CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CĐS (DTI) CỦA BÌNH DƯƠNG CÓ CHUYỂN BIẾN THEO CHIỀU HƯỚNG TÍCH CỰC, XẾP HẠNG 22/63 TỈNH, THÀNH, TĂNG 9 BẬC SO VỚI NĂM 2020 (XẾP HẠNG 31/63 TỈNH, THÀNH). |
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, Bình Dương đã linh hoạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong quá trình CĐS. Trong 7 tháng năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC); triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Trung tâm Dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư và tiếp tục được mở rộng với mô hình Trung tâm Dữ liệu chính và Trung tâm Dữ liệu dự phòng đáp ứng nhu cầu triển khai các dữ liệu ứng dụng dùng chung cho chính quyền, đồng thời bảo đảm hạ tầng cho việc triển khai đô thị thông minh của tỉnh.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 việc thu thập, cập nhật và bổ sung dữ liệu thông tin địa chỉ số cho 286.947 đối tượng như hộ gia đình, trụ sở cơ quan, DN… Các địa chỉ số này được gắn với bản đồ VMAP nên các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể tra cứu địa chỉ số của mình thông qua nền tảng này.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan báo chí tham gia tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền những tiện ích của đề án mang lại phục vụ nhân dân; nâng cao quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, người dân; tiếp tục triển khai ứng dụng nền tảng địa chỉ số cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh theo chỉ tiêu được Ủy ban Quốc gia về CĐS. UBND tỉnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyên ngành; hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa điện tử để phục vụ tốt hơn cho người dân, DN nhằm hoàn thiện các tiện ích chính quyền số; phát triển ứng dụng di động dùng chung của tỉnh; tích hợp, cung cấp các dịch vụ phục vụ cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh.
MINH HIẾU