Nhiều năm liên tục, kinh tế Bình Dương tiếp đà tăng trưởng ổn định. Đồng thời Bình Dương cũng đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo và thu hút đầu tư trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh (TPTM), khẳng định hướng đi đúng và hiệu quả.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) hàng năm bình quân đạt 9,5% (giá so sánh năm 2010), cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (8,2%). Giá trị GRDP toàn tỉnh tăng từ 192.000 tỷ đồng năm 2016 lên 250.000 tỷ đồng năm 2019 với tỷ trọng cao thuộc về lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (97%), nông - lâm - ngư nghiệp hiện chỉ còn khoảng 3%. Mức tăng trưởng cao này cũng kéo theo mức GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ khoảng 124,2 triệu đồng năm 2016 lên trên 146,9 triệu đồng năm 2019, gấp trên 3 lần mức bình quân cả nước. Nền kinh tế Bình Dương phát triển ổn định với mức tăng trưởng khá cao trong thời gian dài, ảnh hưởng tích cực đến mức sống của người dân trong tỉnh.
Cùng với nhịp độ tăng trưởng đó, cơ cấu kinh tế Bình Dương đã có những bước chuyển dịch nhanh chóng theo chiều hướng giảm nhanh tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Số liệu thống kê cho biết năm 2014, nông nghiệp đóng góp xấp xỉ 5,0% GDP của toàn tỉnh, trong khi đó hoạt động công nghiệp và xây dựng chiếm 62,3%, khoảng 32,8% còn lại thuộc về các ngành dịch vụ. Trong giai đoạn 2014-2018, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng hàng năm trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương luôn tăng ở mức 25 - 35%, giá trị GDP ngành dịch vụ từ 15 - 25% (theo niên giám thống kê tỉnh), cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của Bình Dương hiện tại cũng như những năm kế tiếp.
“Nền tảng Bình Dương có được hiện nay là một quá trình mang tính chất đột phá và sự phấn đấu không mệt mỏi của các cấp, các ngành, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là những bước đi mang tính sáng tạo, dám nghĩ, biết làm của một số doanh nghiệp chủ lực của tỉnh và sự quyết tâm chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển của Chương trình số 22- CTr/TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”; Chương trình số 23-CTr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy về “Huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Triển khai xây dựng TPTM là hướng đi đúng, phù hợp với những hướng phát triển trong tương lai của tỉnh, là động lực góp phần tiếp tục đưa kinh tế tỉnh nhà chuyển dần sang sản xuất công nghiệp cao, phát triển mạnh đô thị và dịch vụ, với môi trường xã hội ngày một thông minh, hiện đại và trở thành nơi đáng sống”. (Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) |
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế đó là Bình Dương tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực chính cho phát triển kinh tế toàn tỉnh. Tính đến nay, Bình Dương có 3.753 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,23 tỷ USD. Số dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm tỷ lệ cao. Tổng vốn đăng ký và tổng vốn pháp định trong lĩnh vực này chiếm lần lượt 81% và 86% tổng số vốn FDI đăng ký và pháp định trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều dự án lớn như dự án Công ty TNHH Sharp Manufacturung (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A) vốn đăng ký 135 triệu USD; dự án Công ty TNHH Nitto Denko 186,2 triệu USD; dự án Công ty nội thất Lacquerrr Crafft Việt Nam 98,3 triệu USD... Cùng với thế mạnh phát triển các khu công nghiệp, các chỉ số này tiếp tục cho thấy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.
Song song với việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, hiện nay Bình Dương đang triển khai Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư từ các đối tác có tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Bình Dương cũng rất chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những giải pháp này là đòn bẩy để thu hút các doanh nghiệp FDI, góp phần phát triển ngành công nghiệp nói riêng và trăng trưởng kinh tế cho toàn tỉnh.
Hướng đi đúng, hiệu quả
Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo và thu hút đầu tư trong tiến trình xây dựng TPTM, khẳng định hướng đi đúng và hiệu quả. Bình Dương đã 2 lần liên tiếp (năm 2018 và 2019) được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn là 1 trong 21 thành phố có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (Smart 21) và là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ICF.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Ban điều hành TPTM Bình Dương, cho biết: “Việc Vùng thông minh Bình Dương gia nhập ICF và 2 năm liên tiếp được bình chọn Smart 21 có ý nghĩa rất lớn để tiếp tục đột phá phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực quan trọng cho Bình Dương phấn đấu nhiều hơn nữa trên bước đường hội nhập và phát triển bền vững. Trong đó khẳng định hướng phát triển TPTM của tỉnh là hiệu quả, phù hợp với xu thế chung toàn cầu, nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF. Đồng thời tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút lao động tri thức, các viện trường trên thế giới, là nền tảng cho phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai. Những gì Bình Dương làm đều hướng đến trở thành TPTM, hướng đến gia tăng giá trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sống của nhân dân”.
Đăng cai tổ chức Horasis 2018 và 2019 thành công đã mở ra cơ hội rất thuận lợi để Bình Dương, các doanh nghiệp giao lưu và kết nối, nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội và đối tác mới, cùng phát triển năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác giữa Việt Nam, châu Á và thế giới. Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng, tiếp tục góp phần vào chương trình đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng và phát triển TPTM Bình Dương trong tương lai.
Mới đây nhất, Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA) đã chấp thuận việc Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Đây sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với nhiệm vụ kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương giao thương quốc tế, đưa Bình Dương trở thành một khu vực năng động có đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp, phát triển nhân lực và tăng sức hút cho các dự án bất động sản trong khu vực. Kinh tế tăng tốc phát triển cùng với những kết quả của sự đột phá mới sẽ là động lực, tạo đà cho Bình Dương trên bước đường hội nhập và phát triển bền vững, xây dựng thành công TPTM.q
PHƯƠNG LÊ