Cấm là cần nhưng chưa đủ!

Cập nhật: 03-11-2017 | 08:35:41

Kể từ ngày 1-11, Nghị định 105/2017/ NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 94/2012) chính thức có hiệu lực thi hành. Điểm mới của Nghị định 105/2017/NĐ-CP là cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet, cấm bán rượu bằng máy bán hàng tự động... Quy định là cần thiết nhằm kéo giảm tình trạng lạm dụng rượu bia trong cộng đồng. Hầu hết mọi người đều đồng tình với các quy định của nghị định, song cũng có người tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi đối với quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.

 Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là quy định phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Không chỉ riêng tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới từ lâu đã thực hiện điều này. Nguyên nhân cấm là do người dưới 18 tuổi chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn hạn chế. Nếu cho phép nhóm đối tượng này sử dụng rượu có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. Tuy vậy, “cấm bán rượu” và “cấm uống rượu” là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. “Cấm bán rượu” mang tính ràng buộc đối với người kinh doanh buôn bán, nhưng không ràng buộc đối với chủ thể sử dụng rượu. Do vậy, người chưa thành niên có thể không mua được rượu, nhưng vẫn có thể uống rượu do người khác mua! Đó là chưa nói đến việc kinh doanh rượu đang diễn ra tràn lan. Bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua được rượu khi cần!

Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải xuất hiện lần đầu trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu. Tiếp theo đó, Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng quy định phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy vậy, những quy định này lâu nay cũng vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chính vì những lý do nêu trên, việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP là cần, nhưng chưa đủ. Để quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi thực sự đi vào cuộc sống, cần có hướng dẫn cụ thể về chế tài xử phạt cả người bán, lẫn người mua. Đối với người bán, rượu phải được đưa vào danh mục các mặt hàng kiểm soát đặc biệt, chỉ được phép bày bán tại những cơ sở, cửa hàng, khách sạn đủ điều kiện. Nhân viên bán rượu tại các cơ sở này được phép yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân và có quyền từ chối khi khách hàng không đủ điều kiện. Đối với người mua là trẻ vị thành niên, cần có quy định xử phạt đối với người giám hộ. Nếu cơ quan chức năng phát hiện người dưới 18 tuổi mua hoặc sử dụng rượu, thì người giám hộ phải bị xử phạt; đồng thời có văn bản gởi về nhà trường, cơ quan quản lý trẻ vi phạm để có hình thức kỷ luật nhằm răn đe.

Cùng với chế tài xử phạt là vấn đề tuyên truyền. Bên cạnh các cơ quan thông tin đại chúng, nhà trường và tổ chức Đoàn Thanh niên là hai đơn vị có thể thực hiện hiệu quả việc lồng ghép tuyên truyền quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2256
Quay lên trên