Cần chia sẻ với người tiêu dùng!

Cập nhật: 01-04-2013 | 00:00:00

Có thể nói đợt tăng giá xăng đột ngột vừa diễn ra đã và đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận và người tiêu dùng.

Bất ngờ, có lẽ là cảm giác chung của nhiều người khi được tin kể từ 20 giờ ngày 28-3, giá các mặt hàng xăng, dầu sẽ có mức tăng từ 362 đồng tới trên 1.400 đồng/lít. Trong đó, mức tăng giá cao nhất được áp dụng cho mặt hàng xăng là 1.430 đồng/lít (tương đương 24.580 đồng/lít - một đơn giá cao nhất từ trước đến nay). Nói bất ngờ là bởi đợt tăng giá lần này được biết trước đó không cócông ty kinh doanh xăng dầu nào đề nghị tăng giá, và đặc biệt là đợt tăng giá xăng trong nước lần này lại xảy ra trong khi giá xăng trên thế giới lại đang có xu hướng giảm, nhiều người đang bàn bạc chuyện giá xăng trong nước cần sớm giảm theo…

Theo lý giải của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân phải tăng giá là do hiện giá xăng trong nước thấp hơn giá xăng của các nước lân cận, do đó phải tăng giá xăng để chống buôn lậu; hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đã cạn, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với giá trong nước, vì vậy buộc phải điều chỉnh tăng giá. Và quan điểm của liên bộ Tài chính - Công Thương trong điều hành giá xăng dầu là luôn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nên lần điều chỉnh này quỹ bình ổn giá đã được huy động sử dụng hết mới tăng giá và mức tăng giá trên cơ sở tính đủ chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho người kinh doanh!

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và nhiều người: mỗi nước có một chính sách thuế khác nhau nên giá cả hàng hóa cũng khác nhau, không nên so sánh giá xăng của nước này với nước kia để lấy lý do đó mà tăng giá. Mặt khác nếu so sánh, tại sao không so sánh với các nước có giá xăng thấp hơn mà lại so sánh với các nước có giá xăng cao hơn! Bên cạnh đó, việc chống buôn lậu là trách nhiệm của các ngành chức năng chứ đừng lấy lý do tăng giá xăng cũng nhằm mục đích chống buôn lậu… để đặt gánh nặng lên vai người tiêu dùng và nền kinh tế.

Thực tế chúng ta đều thấy mỗi lần xăng, dầu tăng giá là cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình lại càng khó khăn thêm bởi vì giá xăng, dầu tăng lại kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ khác. Rồi đây, hệ lụy nhãn tiền là giá xăng tăng cao sẽ kéo theo tăng giá dây chuyền nhiều mặt hàng, dịch vụ khác. Mới đây nhất, một số ngành vận tải đã rục rịch xin tăng giá. Rồi đây, cả nước lại phải “tăng cường” chống lạm phát. Từ đợt tăng giá xăng này, các ngành quản lý làm gì để kiềm giữ bình ổn giá nhiều hàng hóa khác, chống hình thành một mặt bằng giá mới theo hướng bất lợi cho đại đa số người dân. Đó là vấn đề nhân dân đang đặc biệt quan tâm.

Mặt khác, vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế, các hiệp hội, các công ty vận tải và người dân cùng đề nghị là các cấp, các ngành có chức năng quản lý cần giải trình, công khai minh bạch (nhiều lần cơ quan thông tin đại chúng đã lên tiếng về vấn đề này) việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu; xem xét lại việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng, dầu sao cho vừa bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho người kinh doanh vừa thể hiện được sự chia sẻ của Nhà nước với người dân trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=209
Quay lên trên