Câu chuyện độc quyền!

Cập nhật: 05-08-2013 | 00:00:00

Từ ngày 1-8, thêm một gánh nặng đè trĩu đôi vai người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp công nhân lao động, người ở trọ - giá điện tăng 5%, bởi thông thường điện tăng giá sẽ kéo giá xăng, dầu, gas và các loại hàng hóa thiết yếu khác tăng theo, nếu không tăng nhiều thì cũng tăng ít!

Nhiều người cho rằng đứa con của độc quyền mang tên EVN lại một lần nữa thị uy sức mạnh là “con một” của mình khi điều chỉnh giá điện tăng thêm 5%. Có lẽ do là đơn vị độc quyền nên EVN muốn là làm, vì suy cho cùng người dân nếu không sử dụng điện do họ bán ra thì cũng không còn biết đi mua điện ở đâu? Và mặc dù là đơn vị kinh doanh độc quyền loại hàng hóa đặc biệt là điện, nắm trong tay nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, được hưởng thụ nhiều chính sách ưu đãi, vậy mà đơn vị này vẫn kêu lỗ triền miên…

Không chỉ kinh doanh điện với thế độc quyền kêu lỗ chưa đủ, EVN còn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các ngành ngân hàng, tài chính, chứng khoán, viễn thông… nhưng không mang lại hiệu quả. Vậy là người dân và các doanh nghiệp phải “chung sức” gánh chịu những thua lỗ vì làm ăn kém cỏi của họ dưới “vỏ bọc” tăng giá điện. Đáng nói hơn, hiện nay không ít doanh nghiệp đang vật vã chống chọi với giá xăng, dầu tăng, gặp khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ sụt giảm, nhưng vẫn phải chịu thêm 5% chi phí đầu vào do giá điện tăng, trong khi họ không thể tăng giá bán sản phẩm do đơn vị mình sản xuất.

Mới đây, trao đổi với báo chí tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 7-2013 diễn ra vào chiều 30-7 về lộ trình giá điện thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu tăng ngay giá điện giữa bối cảnh khó khăn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ càng yếu hơn. Đành rằng, việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi, nhưng đáng lẽ trước khi tăng giá điện, EVN phải có lộ trình thích hợp và “hỏi ý kiến người dân”… Tuy nhiên, nếu EVN làm được như Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói, thì chắc chắn gần 100% người dân được hỏi sẽ trả lời là không nên tăng giá điện trong thời điểm hiện nay!

Vấn đề cần phải làm là lâu nay ta vẫn nói cần phá thế độc quyền của ngành điện nhưng đến nay vẫn chưa làm được không biết vì sao? Và dù cho kinh doanh độc quyền nhưng thiết nghĩ Nhà nước cũng cần phải quản lý được cơ sở tăng giá, lộ trình tăng giá, công khai kế hoạch tăng giá và đặc biệt là phải kiểm soát được hiệu ứng dây chuyền khi tăng giá điện thì người dân mới chấp nhận được, chứ cứ đến hẹn lại lên - lương tăng chút ít thì xăng, dầu, điện, gas lại nhấp nhổm tăng, kéo theo nhiều thứ khác tăng theo. Nhiều người nói giá điện của Việt Nam còn thấp nhưng nhìn lại thu nhập của người dân mình cũng chưa cao so với các nước khác, nên tốt nhất khoan hãy tính đến chuyện đưa giá điện Việt Nam phải tăng bằng giá các nước khác…

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên