Người đứng đầu ngành thú y Đồng Nai trong cuộc trả lời báo chí mới đây đã nói rằng ông rất xấu hổ về hành vi của cấp dưới khi tạo điều kiện để thịt heo “bẩn” tuồn ra thị trường. Ông này cũng cho biết là đã tạm đình chỉ công tác cán bộ thú y vi phạm để xử lý bởi đó là những hành vi làm mất uy tín của cả ngành, không thể nào chấp nhận được. Người đứng đầu một ngành “đối mặt” với công luận và cảm thấy “xấu hổ” khi cán bộ cấp dưới thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể coi là hành động khá “dũng cảm” của vị lãnh đạo này.
Nhưng công luận lại có quyền đặt ra tiếp câu hỏi rằng, xấu hổ rồi sao nữa? Nhận lãnh trách nhiệm không sâu sát nhiệm vụ của ngành, để cán bộ cấp dưới bao che cho hàng lậu, hàng bẩn chỉ mới một vế của vấn đề. Vị lãnh đạo ngành thú y của địa phương này chưa cho thấy quyết tâm loại bỏ những “con sâu” làm mất uy tín của ngành mình phụ trách để những hành vi tương tự không còn xảy ra. Đặt vấn đề như vậy, bởi ngay vị trạm phó trạm thú y “tiếp tay” cho heo “bẩn” tuồn ra thị trường vừa mới bị phát hiện đã từng dính líu đến đường dây heo “bẩn” những năm trước nhưng vẫn yên vị công tác cho đến hôm nay.
Giải cứu thịt thối, đưa heo bệnh vào lò mổ, đóng dấu kiểm nghiệm thú y để tuồn ra thị trường… bao nhiêu vấn đề đã và đang xảy ra tại địa phương được xem là “cửa ngõ” vận chuyển gia súc, gia cầm từ miền Bắc, miền Trung vào thị trường Đông Nam bộ thực sự nhức nhối trong tình hình thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay. Thử hỏi sau hàng loạt vụ việc thực phẩm “bẩn” bị phanh phui trên địa bàn này thì lực lượng thú y ở đây có còn uy tín để nói là bị mất? Đã biết là bị mất tại sao không mạnh tay để bảo vệ lại còn tiếp tục sử dụng những “con sâu” trong ngành? Những vấn đề đưa ra để thấy đã biết “xấu hổ” thì phải tìm mọi cách để “làm đẹp”, lấy lại uy tín trong mắt người tiêu dùng. Nếu không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, không đưa ra được biện pháp hữu hiệu để “làm sạch” thị trường thực phẩm mà mình trực tiếp quản lý, chắc rằng hai từ “xấu hổ” phát ra chẳng ai còn muốn nghe!
CẢNH HƯỞNG