Chấn chỉnh y đức

Cập nhật: 03-01-2014 | 00:00:00

Vài chục năm trước đây, ngành y tế đã có quy định không chỉ riêng tại bệnh viện mà “lệnh cấm” bác sĩ không được nhận phong bì, quà biếu của bệnh nhân dưới mọi hình thức được nêu rõ trong nhiều văn bản của bộ; song việc này chỉ được thực hiện nghiêm trong một thời gian rồi dần đi vào quên lãng. Thế rồi, việc người bệnh sẵn sàng lót tay cho y tá ít tiền để được tiêm, thay băng nhẹ nhàng; phong bì cho bác sĩ sau mỗi ca phẫu thuật đã thành cái “lệ” ở bất kỳ bệnh viện nào; thậm chí việc quà cáp, cám ơn bác sĩ đã là lẽ thường, vì nếu lỡ quên cũng sẽ được khéo léo nhắc nhở!

Theo một cuộc khảo sát được Ngân hàng Quốc tế và Thanh tra Chính phủ thực hiện vào năm 2012 thì có đến 76% người dân hoàn toàn tự nguyện dùng phong bì để cảm ơn y, bác sĩ và điều này cho thấy, phong bì đã trở thành một giao dịch không thể thiếu đối với bệnh nhân và các nhân viên y tế.

Vài năm gần đây, nạn phong bì được đem ra mổ xẻ, bởi người dân đã không chịu nổi với gánh nặng chi phí phát sinh này, trong khi họ vẫn còn phải điều trị trong cơ sở vật chất chật chội, thiếu sự chăm sóc tử tế của đội ngũ nhân viên y tế trong quá trình điều trị. Vậy mà lại phải lo toan thêm khoản quà cáp, phong bì; và rồi dư luận đã phản ứng thực trạng này trên mọi diễn đàn từ trang mạng xã hội, đến báo chí và cả nghị trường Quốc hội. Có thể lúc đầu thủ tục phong bì xuất phát từ chỗ chỉ nhằm thể hiện chút tấm lòng biết ơn của bệnh nhân với bác sĩ nhưng dần dà đã “biến tướng” đến nỗi gây bức xúc cho dư luận xã hội; và việc này nói như lời nhận xét của một bác sĩ từng có 50 năm gắn bó với ngành y “làm nghề y tiền dày thì đức mỏng”, xem ra sâu sắc vô cùng.

“Vấn nạn phong bì” đã làm ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh của ngành y tế; song dư luận xã hội cũng rất công bằng khi ghi nhận phần lớn các y, bác sĩ đều tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh, chữa trị cứu sống cho biết bao người. Trong phát biểu gần đây về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết: Năm 2014, bộ sẽ quyết tâm chấn chỉnh quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành y nói chung, không chỉ riêng bác sĩ khám chữa bệnh. Bộ sẽ ban hành thông tư về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ y tế, đưa 12 điều y đức vào thông tư này để điều chỉnh. Mặt khác, Bộ Y tế cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh thái độ ứng xử của đội ngũ y, bác sĩ; cải cách việc khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi, không làm phiền hà người bệnh.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên