Nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) năm 2018, chiều 25-11, tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh, đã diễn ra phiên họp toàn thể châu Á năng động. Tham dự phiên họp có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Horasis.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc toàn thể châu Á năng động. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Chia sẻ quan điểm tại phiên họp, ông Harshavardhan Neotia, Chủ tịch Ambuja Neotia Group - Chủ tịch AIMA (Ấn Độ), nói: “Đã đến lúc chúng ta vươn lên để tìm kiếm các chiến lược, hợp tác, điều phối mà không phải để cạnh tranh lẫn nhau và cần có nhiều cuộc đối thoại để hiểu nhau hơn. Tôi tin rằng, với vai trò và thị trường đang nổi lên và phân nửa dân số thế giới đang có mặt tại châu Á, chúng ta cần hợp tác với nhau, cùng tồn tại; cần có lãnh đạo các quốc gia, cần có hệ thống lãnh đạo để điều hành; cần có 1 tuyên bố chung, 1 cơ cấu về địa chính trị cho châu Á”.
Đưa ra ý kiến về câu hỏi của ông Pranjal Sharma, Biên tập viên BusinessWorld (Ấn Độ)- người chủ trì phiên họp: Cần có khung châu Á để hợp tác; ông Wang Dong, Tổng Thư ký The Pangoal Institution (Trung Quốc), cho rằng tới đây diễn đàn cần có nhiều sự hợp tác đa phương. Chúng ta sẽ đạt được một sự thần kỳ với một lực lượng trung lưu ngày càng gia tăng nếu chúng ta có các mạng lưới về mặt xã hội.
Trước câu hỏi đặt ra của ông Pranjal Sharma dành cho các diễn giả: Để sự năng động mới của châu Á đạt được tầm mức, gia tăng sự thịnh vượng và ổn định cho nơi đây, điều gì chúng ta cần làm với nhau để tạo ra châu Á? Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty Cổ phần FPT (Việt Nam): “Chúng ta cần kết nối vốn, kết nối kỹ năng, các Chính phủ kết nối với nhau và hãy để thương mại điện tử đi qua biên giới”.
Tại phiên họp, ông Wang Dong đã giới thiệu về bối cảnh chung về vai trò của châu Á đang nổi lên. Theo ông, châu Á đang chuyển dịch đến sự năng động. Ông đề cập đến tầm quan trọng của địa chính trị - vấn đề mà châu Á đang quan tâm, hay nguy cơ về chiến tranh thương mại. Ông dẫn chứng về cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra bao lâu và có tác động như thế nào đến kinh tế châu Á. Theo ông, trong thời gian tới châu Á sẽ là trung tâm của thế giới.
Tại phiên họp, ông Pranjal Sharma cũng đã khái quát lại nội dung chính của các diễn giả, đồng thời khẳng định phiên họp đã thật sự hiệu quả. Các ý kiến và giải pháp của các diễn giả đã vì một mục tiêu chung là xây dựng châu Á thành một khu vực phát triển năng động, toàn diện, bền vững.
PHƯƠNG LÊ