Nhiều người mắc Covid-19 cho biết họ có những di chứng do căn bệnh này mang lại sau khi điều trị khỏi. Đó là rụng tóc, lo lắng, bồn chồn, có khi thấy mệt mỏi hơn so với trước khi bệnh.
Trao đổi về điều này, bác sĩ Quách Trung Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh cho biết cần chú ý đến việc điều trị di chứng Covid-19 để bệnh nhân được phục hồi nhanh hơn.
Về nguyên tắc chung trong dinh dưỡng, cần chọn thực phẩm đa dạng về chủng loại, cân bằng, chú trọng bù nước, điện giải. Chú trọng bổ phế, khai vị, an thần, thông đại tiểu tiện. Tùy theo thể trạng và tình trạng bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, có thể lựa chọn hoặc phối hợp các loại thực phẩm sau đây:
Còn ớn lạnh sợ lạnh, hay lạnh bụng, đau dạ dày khi ăn đồ sống lạnh (vị hàn), dễ tiêu chảy, sôi lạnh bụng dùng gừng, hành, canh cải xanh nấu gừng, rau ngò... Miệng khô, họng khô, khát nước, nóng bứt rứt, dùng trà xanh, đậu đỏ, đậu xanh, khế, dưa hấu cả phần vỏ trắng, sương sâm, nước dừa tươi... Vẫn còn ho, khạc đàm, dùng lê, bạch quả, ô mai, trần bì, cải thảo, tía tô...
Ăn uống không ngon miệng, hay chướng bụng có thể dùng sơn tra, đậu ván, hoài sơn, phục linh, củ cải, sa nhân... Nếu mất ngủ, dùng tâm sen, nhãn lồng, lá vông nem...
Lưu ý: Dược thiện mang tính chất phòng ngừa và hồi phục sức khỏe sau bệnh, cần sử dụng đúng liều lượng, không lạm dụng, hạn chế bổ sung câu kỷ tử trong trường hợp này vì dễ sinh đàm thấp.
Một số công thức dinh dưỡng đề xuất cho người di chứng Covid-19:
Cháo hoài sơn, bí xanh, hạt sen: Thành phần gồm: Hoài sơn (30g), hạt sen (20g), bí xanh (20g), ý dĩ - còn gọi là hạt bo bo (20g), gừng tươi (5g). Công dụng: Kiện tỳ thẩm thấp, hòa trung an thần.
Công thức dinh dưỡng này thích hợp cho đại đa số người, đặc biệt những người cơ thể suy nhược, dễ bị cảm, tăng cường sức đề kháng, dự phòng bệnh tật. Liều lượng 1 tuần dùng 2 đến 3 lần. (Còn tiếp)
HƯƠNG CẦN (tổng hợp)