Trong cuộc tiếp xúc với báo chí cách đây ít hôm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) Dương Quốc Trọng đã một lần nữa khẳng định chính sách DS sẽ không “thả nổi” mà được điều chỉnh theo phương án hợp lý, sau khi có ý kiến cho rằng nên cân nhắc mức sinh, để người dân sinh con theo ý muốn. Theo đó, có 3 phương án đã được Tổng cục DS-KHHGĐ đưa ra, trong đó phương án để mức sinh thấp hợp lý (quy mô DS cực đại đến năm 2050 khoảng 110 triệu người) được xem là phù hợp nhất và sẽ được đề xuất thực hiện.
Mặc dù quan niệm trọng nam khinh nữ đang dần lùi xa và việc sinh đẻ có kế hoạch đối với các cặp vợ chồng cũng được thực hiện khá tốt trong thời gian gần đây nhưng “vấn đề” đối với công tác DS ở nước ta hiện nay vẫn là quy mô và mật độ DS đông (xếp thứ 14 trên thế giới), nếu quy mô DS tăng lớn trong thời gian tới sẽ gây sức ép đáng ngại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ vậy, bức tranh DS ở các vùng miền, các địa phương cũng rất khác nhau. Nếu như năm 2012 tỷ suất sinh bình quân cả nước là 2,06 con/bà mẹ thì có nơi chỉ đạt từ 1,5 - 1,6 con/bà mẹ (một số tỉnh, thành khu vực Nam bộ) vì nhiều cặp vợ chồng ngán ngại sinh con do những áp lực về kinh tế, việc làm, việc chăm sóc con cái… Ngược lại, cũng có nơi đạt trên dưới 3 con/bà mẹ (một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung), đó là chưa kể tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…
Nêu ra những vấn đề trên để thấy rằng, công tác DS ở nước ta đang có khá nhiều việc phải làm về mặt tổng thể và chiến lược chứ không chỉ vì trước mắt hoặc nhìn “một mặt” nào đó rồi sớm đề xuất giảm sinh hay tăng sinh, như lời ông Dương Quốc Trọng là “chính sách DS phải nhìn xa trông rộng”. Để có được cơ cấu DS hợp lý giữa trẻ em với người lao động và người già là hàng loạt vấn đề đặt ra trong việc điều hành, thực hiện chính sách DS, kể cả việc linh hoạt giữa các khu vực, vùng miền… để tạo sự cân bằng. Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm soát quy mô, số lượng DS thì vấn đề nâng cao chất lượng DS cũng rất quan trọng bởi qua cuộc tổng điều tra DS gần đây cho thấy, tầm vóc, thể lực, cân nặng, sức bền của người Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước trong khu vực. So với chuẩn quốc tế, chiều cao của nam thanh niên nước ta đang thấp hơn 13,1cm và nữ thấp hơn 10,7cm; tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi và xếp thứ 116/182 nước trên thế giới...
Thực tế đã chứng minh, chính sách DS là việc hệ trọng và có tính căn cơ, lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai. Trải qua nhiều nỗ lực suốt hàng chục năm trời, nước ta đang có được lợi thế là tháp DS “vàng” mà nhiều nước trên thế giới muốn đạt được. Do vậy, trong thời gian tới, việc phát huy lợi thế này cũng như định hướng nâng cao chất lượng DS, cải thiện sức khỏe bà mẹ - trẻ em, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh… là những vấn đề cần được tiến hành đồng bộ, tránh nóng vội, chủ quan và nhất thiết phải gắn với tương lai, với xu hướng phát triển.
Q.MINH