Những ngày đầu năm mới dương lịch cũng là những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, thời điểm mà các ngành, các cấp đang chuẩn bị thực hiện các phương án đối phó với nạn sản xuất - kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng cũng đừng quên thời điểm giáp tết là lúc các loại dịch bệnh trên gia cầm cũng rất dễ bùng phát.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thì thời tiết mùa đông - xuân rất thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virus cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng. Bên cạnh đó, với tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ, lẻ tồn tại từ trước đến nay và điều kiện kinh tế, vệ sinh môi trường chưa được chú ý quan tâm ở một bộ phận dân cư cũng là một trong những nguyên nhân và môi trường làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus này trong cộng đồng dân cư. Do đó, Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo chúng ta cần chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 ở người bằng các biện pháp như thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở phải thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm bị bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có các biểu hiện cúm (như sốt, ho, đau ngực, khó thở), người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương…
Mặc dù, đến nay cả nước chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, không loại trừ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam đầu năm 2014 do cũng như hàng năm, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ gia cầm và thủy cầm của người dân rất lớn; trong khi đó việc buôn bán gia cầm, nhất là gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc ở một số địa phương vẫn chưa được ngăn chặn triệt để! Được biết, cho đến nay các nước trên thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cộng đồng chưa có miễn dịch. Virus cúm A/H7N9 lưu hành ở những đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng và gây bệnh, chết trên gia cầm, do đó rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Loại virus cúm này lại có tính thích nghi cao ở động vật có vú nên dễ biến đổi thành chủng có khả năng lây từ người sang người. Do đó, khi tiếp xúc với mầm bệnh, chúng ta dễ mắc bệnh và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ những ngày đầu xuất hiện cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người. Tại Việt Nam, năm 2013 cả nước có 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó 1 trường hợp tử vong tại Đồng Tháp và từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 125 trường hợp mắc, 62 trường hợp tử vong. Từ đó cho thấy, nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người luôn tiềm ẩn bùng phát do dịch cúm trên gia cầm vẫn liên tiếp được ghi nhận hàng tháng tại nhiều địa phương trong cả nước. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi người, mỗi gia đình cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như ngành y tế đã hướng dẫn hơn là đến khi dịch bệnh đã xảy ra… để ai cũng được hưởng một cái tết truyền thống an lành và vui tươi…
VÕ HƯƠNG