Đây là kết quả đáng mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình này và được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao năng lực giáo dục của đất nước. Điều đáng phấn khởi hơn là chúng ta đã đứng cao hơn nhiều nước giàu mạnh của thế giới như Anh, Pháp, Mỹ… về khả năng toán học.
Đó là kết quả kiểm tra trên thi cử, còn việc đem những kết quả đó vào thực tiễn lại là chuyện khác. Có một thực tế chúng ta không thể vui là mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên trong cả nước ra trường nhưng nhiều người không tìm được một việc làm phù hợp, bởi kiến thức đào tạo không phù hợp với công việc, hoặc không đáp ứng với công việc; nhiều người đã phải làm trái với ngành nghề đào tạo nên khó phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Chúng ta tự hào là dân tộc thông minh nhưng lại thiếu đi những công trình khoa học lớn, những trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo tầm cỡ thế giới… nên chưa thể phát huy và hội tụ những tài năng đến với đất nước. Từ đó, việc đem tri thức vào công cuộc phát triển đất nước những năm gần đây chúng ta đạt được còn khiêm tốn. Có thể lấy ví dụ từ chiếc xe gắn máy, xe ô tô chúng ta đi lại hàng ngày… phần đóng góp trí tuệ vào sản phẩm này của người Việt Nam còn rất ít, chủ yếu là nhập khẩu từ các nước khác.
Kinh nghiệm của những nước có nền giáo dục phát triển cho thấy, họ rất coi trọng việc thực hiện các yếu tố về phát triển giáo dục cơ sở, vai trò của trường tư và quan tâm đến chất lượng. Cùng với việc mở rộng đại học cho đại chúng, chính phủ các nước này còn xây dựng các trường đại học đặt nặng về nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển nền giáo dục đại học của đất nước họ. Hàn Quốc là nước đã thực hiện thành công những kinh nghiệm này. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu sau năm 1945 đến nay họ đã vươn lên thành một cường quốc phát triển; họ đã xây dựng phát triển nhiều tập đoàn công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới; mỗi năm có hàng chục, thậm chí cả trăm ngàn bằng sáng chế đăng ký trong nước…
Có nhiều bài học từ các nước có nền giáo dục phát triển cần học tập, nhưng có lẽ quan trọng nhất đó là chúng ta cần hoàn thiện hệ thống giáo dục trung và tiểu học trước khi có được một hệ thống đại học có chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chất lượng đào tạo; bảo đảm sự hài hòa giữa những giá trị giáo dục truyền thống tốt đẹp với mô hình giáo dục hiện đại giúp đất nước có được một nền giáo dục phát triển toàn diện.
HOÀNG ANH