Hôm qua (21-4), khắp nơi trên cả nước đã sôi nổi diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên. Việc chọn ngày 21-4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích phong trào đọc sách, hình thành thói quen đọc, tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời của người dân.
Tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác, Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức thành chuỗi hoạt động từ trước ngày 21-4 và được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Đây là một sức hút khá bất ngờ bởi việc đọc sách cũng như văn hóa đọc của người Việt Nam trong thời gian qua có rất nhiều điều đáng nói. Thật khó tin một đất nước giàu truyền thống hiếu học như nước ta mà theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả năm 2013 trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc chưa đầy 1 quyển sách (0,8 quyển), tỷ lệ đọc sách ở các thư viện công cộng còn thấp hơn với chỉ 0,38 quyển/năm. Trong khi đó, thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông thì cho biết, tỷ lệ bình quân sách/đầu người ở nước ta cũng cực thấp so với các nước: 2,8 quyển.
Sự phát triển ồ ạt của internet, giá thành sách bán ra vẫn còn cao, nhuận bút cho người viết sách thấp, sách lậu tràn lan khiến nhà xuất bản lao đao, thời gian dành cho việc đọc sách của người đọc, nhất là các em còn trong độ tuổi học sinh còn quá ít do phải học thêm, vật lộn mưu sinh… được xem là những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ sách đang ít đi và số người đọc sách ở nước ta cũng sụt giảm. Tỷ lệ đọc sách và văn hóa đọc ngày càng sa sút để “nhường chỗ” cho các trò chơi trên mạng và các thú tiêu khiển thiếu lành mạnh khác đang rơi phổ biến vào giới trẻ, những người nắm vận mệnh tương lai của đất nước, được xem là một hồi chuông đáng cảnh báo.
Có lẽ không cần bàn cãi về giá trị của sách và việc đọc sách. Những người yêu sách sẽ giàu có hơn cả về tri thức lẫn tâm hồn cũng như biết sống có nhân văn hơn. Những câu nói bất hủ như: “Không có sách, không có tri thức”; “Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Thật phí “nửa cuộc đời” cho những ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì”… hẳn không phải là không có lý để những con người nổi tiếng đúc kết ra chúng. Ngày nay, việc đọc sách ngày càng thuận tiện hơn bởi bên cạnh việc đọc sách theo thói quen truyền thống, người đọc còn có thể thoải mái đọc sách qua mạng mọi lúc, mọi nơi nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Ngày Sách Việt Nam đã được “khai sinh”, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để vực dậy ngành xuất bản và thu hút người đọc nhiều hơn thì mỗi người chúng ta cũng cần chủ động, chung tay xây dựng, nâng tầm văn hóa đọc trong cộng đồng xã hội.
Q.MINH