Chuyện không bình luận

Cập nhật: 14-03-2011 | 00:00:00

Có hai chuyện xin được kể mà không bình luận.

Chuyện thứ nhất, một bạn đọc ở Q.1, TP.HCM cho biết, bác sĩ Thái Thành Nam, Trưởng khoa phẫu thuật phaco Bệnh viện Mắt Sài Gòn thu phí tới 500.000 đồng/lần khám nhưng chỉ tiếp và khám cho bệnh nhân một vài phút mà thôi. Tức thì, vị bác sĩ này phản hồi thông qua báo chí: Chúng tôi có thu tiền khám 500.000 đồng/bệnh nhân và giá này đã thực hiện cách đây mấy tháng. Đây là giá khám theo yêu cầu chọn bác sĩ do bệnh viện thu chứ không phải tôi thu. Bệnh viện có nhiều bác sĩ khám và có nhiều giá khám khác nhau. Một ngày tôi chỉ khám hai giờ. Ai muốn tôi khám với giá 500.000 đồng thì đăng ký, không đồng ý thì đăng ký khám ở bác sĩ khác, không bắt buộc. Tôi khám giá cao là do chuyên môn của tôi cao...

Chuyện thứ hai, tại hiệu thuốc trước cổng một bệnh viện lớn ở Hà Nội, một người phụ nữ đã luống tuổi, dáng vẻ thôn quê lách ra khỏi đám người đang chờ mua thuốc. Sau một lát bần thần, người phụ nữ nhìn xuống đơn thuốc đang cầm trên tay và những giọt nước mắt bỗng rơi... Rồi bà quệt nước mắt, vội vàng nhét đơn thuốc vào túi xách. Mọi người đứng ngồi xung quanh cứ tưởng bà khóc vì bệnh tình của người thân. Nhưng sau đó mọi người mới ngỡ ra khi bà cho biết đơn thuốc mà bác sĩ kê cho chồng bà hết 1,8 triệu đồng. Hóa ra bà khóc vì cái đơn thuốc, vì tủi thân khi không đủ tiền mua thuốc cho chồng.

Trong xã hội, không có nghề nào cao thượng và cũng không có nghề nào thấp hèn. Và, nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. “Lương y như từ mẫu” câu nói đó phải luôn được người thấy thuốc tâm niệm và khắc ghi. Bệnh viện là “nhà thương”. Người thầy thuốc phải là “lương y”, phải rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, đề cao chữ thiện, chữ tâm. Người thầy thuốc hết lòng tận tụy vì người bệnh, như “từ mẫu”, như người mẹ nhân từ. Ở nước ta, hầu hết những người làm nghề y vừa có y thuật, vừa có y đức, đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc là vừa hồng vừa chuyên. Họ đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đồng tiền đã xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh. Trong ngành y đang có xu hướng thích hệ điều trị hơn dự phòng, thích trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hơn gián tiếp. Hiện tượng “phong bì lót tay”, coi trọng quá mức đồng tiền là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Một số ít bác sĩ, nhân viên y tế đã có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định về y đức, bị dư luận xã hội lên án như: sách nhiễu gia đình bệnh nhân, coi thường tính mạng của người bệnh, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân giàu và nghèo... Đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y.

Khi mà cả xã hội đề cao, tôn vinh những người thầy thuốc - mẹ hiền, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 vừa mới qua, thì chắc chắn không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy đắng lòng khi nghe qua hai câu chuyện trên.

* THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên