Mới đọc được một thông tin tôi bỗng nghe đắng lòng, chen lẫn vào đó là niềm thán phục người viết đã dày công nghiên cứu, tiếp xúc, tính toán để cho chúng ta một kết quả có lẽ là tương đối chính xác về giá trị của “những ngôi nhà trong mơ” đối với những viên chức làm công ăn lương.
Thông tin trên bài báo đó cho biết: Chỉ số giá nhà/ thu nhập của người dân Việt Nam ở mức từ 24,5 đến 26,6, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới là nguyên nhân chính khiến hầu hết những viên chức làm công ăn lương hầu như không thể mua được nhà. Cụ thể như chỉ số giá nhà/thu nhập người dân của khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á 4,14, châu Phi 2,21, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ 6,25, Mỹ La-tinh và Caribe 2,38. Và chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân được hiểu là giá của 1 căn nhà so với tổng thu nhập trong một năm của mỗi người. Với chỉ số như đã nêu trên, nếu không ăn, không tiêu, dành toàn bộ tiền lương cho việc tạo lập chỗ ở thì người làm công ăn lương ở nước ta phải mất tới 24,5 - 26,6 năm mới mua được nhà. Trong khi theo Liên hiệp quốc, trung bình người dân trên thế giới chỉ phải mất 3 - 4 năm. Quả là những con số so sánh làm chúng ta phải chạnh lòng, thương cho mình và cho những viên chức làm công ăn lương.
Nguyên nhân của tình trạng này là do trong thời gian qua chúng ta không kiểm soát được tình trạng đầu cơ bất động sản. Thị trường nhà đất không minh bạch, tầng lớp trung gian giữa chủ đầu tư và người không có nhu cầu chỗ ở thực sự vẫn nghiễm nhiên thu lợi, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao, vượt xa giá trị thực của nó và vượt quá khả năng tài chính của một bộ phận lớn dân cư dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng gia tăng. Để giải được bài toán này, theo giáo sư - tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ thì chúng ta cần đẩy mạnh việc chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, từng bước công khai minh bạch hoạt động đầu tư bất động sản và đẩy lùi nạn đầu cơ...
Cách đây mấy năm, được sự hỗ trợ của gia đình, tôi có mua được một ngôi nhà cấp 4 ở một khu dân cư (KDC) có tên là KDC dành cho người có thu nhập thấp A. Ngôi nhà lúc ấy có giá trên 140 triệu đồng, nhưng tôi cũng phải chạy vạy đủ đường mới có thể mua được. Nghe tôi mua nhà trong KDC ấy, bạn bè bảo KDC chị ở phải gọi tên lại là KDC dành cho người có thu nhập... cao vì với giá cả như vậy và với đồng lương cán bộ công nhân viên Nhà nước như chúng ta, em cũng ước ao một ngôi nhà như chị nhưng làm sao có đủ tiền mua được. Lúc ấy, tôi đã an ủi bạn: Ráng dành dụm đi rồi vài năm nữa sẽ mua được nhà thôi. Nhưng rồi nhiều năm đã trôi qua, căn nhà tôi mua ngày ấy giờ đã có giá gần 1 tỷ đồng, trong khi đồng lương cơ bản của cán bộ công nhân viên Nhà nước của chúng ta có tăng nhưng tăng theo từng năm và nhìn chung là tăng không bao nhiêu so với giá cả thị trường, đất đai nên ngôi nhà mà bạn tôi ao ước vẫn còn trong mơ của bạn.
Chúng ta nhớ lại, theo dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Bộ Xây dựng, dù từ năm 1991, Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào tiền lương để người làm công ăn lương tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, cơ cấu tiền nhà tính trong tiền lương mới đạt từ 8 - 10%, trong khi chi phí cho nhà ở ngày càng lớn so với mức tiền lương thực tế được trả nên trong thời gian vừa qua, những người hưởng lương từ ngân sách, công nhân, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có khả năng tạo lập chỗ ở cho mình, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống... Thật vậy, với mức lương như hiện nay và thang lương cơ bản sẽ tăng trong tháng 5-2011, trong khi thời giá tăng từng ngày như trượt pa-tin thì đúng là việc mua nổi một căn nhà, dù là một căn nhà cấp 4 đơn sơ để mà an cư lạc nghiệp, để làm nơi chốn đi về thực sự của mình vẫn sẽ còn là mơ ước của rất, rất nhiều người làm công ăn lương hiện nay và trong nhiều năm tới... Nỗi lòng này biết tỏ cùng ai?
VÕ HƯƠNG