Công cuộc chuyển đổi số ngày càng lan tỏa sâu rộng

Cập nhật: 06-09-2022 | 06:20:29

Nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thực hiện CĐS bán phần hoặc toàn phần trong quy trình sản xuất, kinh doanh. Dù chỉ mới là bước khởi đầu, nhưng thông qua những phản hồi tích cực từ phía các sở ngành, địa phương và các DN, có thể thấy hoạt động CĐS trên địa bàn đang diễn ra khá nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả.

 Kỹ thuật viên tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC) đang thao tác các ứng dụng trên hệ thống máy tính 

 Nhiều DN tiên phong

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát, nhiều DN tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp CĐS đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo. Tại đây, DN chia sẻ và đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề nhức nhối mà các DN nhỏ và vừa đang gặp phải. Thông qua những giải pháp CĐS được gợi mở, nhiều DN hào hứng và nhanh chóng hội nhập vào tiến trình CĐS với kỳ vọng sẽ từng bước giảm chi phí vận hành DN, tăng hiệu quả quảng bá thương hiệu, sản phẩm và hướng tới mục tiêu “vươn ra biển lớn”.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, cho biết hoạt động CĐS đã được cộng đồng DN trong và ngoài tỉnh triển khai từ lâu. Nhưng phải đến thời điểm trong và sau đại dịch Covid-19 hoạt động CĐS mới phát triển nhanh và mạnh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, giai đoạn từ nay đến năm 2030, hoạt động CĐS sẽ được phủ sóng và gần như hoàn thiện trong cộng đồng DN và các cơ quan, tổ chức Nhà nước.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp đại diện một số DN đang đồng hành cùng cộng đồng DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh trong tiến trình CĐS như VNTT, Viettel Bình Dương, VNPT Bình Dương... Trong số này, ấn tượng nhất có thể kể đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động làm việc tại VNPT Bình Dương. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, VNPT Bình Dương luôn cố gắng thể hiện vai trò tiên phong trong hoạt động hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn thực hiện CĐS.

Cụ thể, những năm qua, đơn vị này đã phối hợp các sở ngành, địa phương triển khai các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, DN, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS, đồng hành cùng tỉnh nhà trong xây dựng chính quyền điện tử. Khi làn sóng CĐS đã trở nên phổ biến và có nhiều DN tham gia cuộc chơi, đơn vị lại cố gắng tìm tòi, sáng tạo tiếp tục cải thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng viễn thông và cung ứng thêm nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp các cơ quan, tổ chức, DN thực hiện CĐS từng phần hoặc toàn diện.

Làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh, cho biết hiện nay làn sóng CĐS trong cộng đồng DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa sâu rộng. Sau khi tìm hiểu về những lợi ích, ý nghĩa mà CĐS mang lại, nhiều DN đã nhờ liên hiệp hội kết nối với các đơn vị tiên phong để “đặt hàng” các giải pháp CĐS. Theo đó, phần lớn các DN đều quan tâm đến việc kiện toàn, tối ưu chi phí quản trị DN, vận hành quy trình sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng số hóa.

Theo ghi nhận của ngành chức năng, hiện có đến hơn 80% các DN trên địa bàn đã thực hiện CĐS một phần trong quy trình quản trị, vận hành DN. Hầu hết nhân sự tại các bộ phận chuyên môn như hành chính nhân sự, kế toán, thủ kho, marketing, kinh doanh… đã sử dụng thành thạo vi tính và thực hiện thống kê, báo cáo công việc thông qua các ứng dụng CRM (hệ thống phần mềm quản lý DN). Trong khi đó, những DN có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn hơn cũng đã đầu tư hệ thống quản trị riêng biệt để giám sát và quản lý nhân sự, tiến độ thực hiện công việc của các bộ phận chuyên môn tốt hơn.

Song hành cùng làn sóng CĐS đang nở rộ trong cộng đồng DN trên địa bàn, các cơ quan, tổ chức hành chính, sự nghiệp Nhà nước cũng nhanh chóng trở mình với quyết tâm nhanh chóng xây dựng nền dịch vụ hành chính công chuẩn theo định hướng đô thị thông minh. Thống kê của VNPT Bình Dương cho thấy, trong nửa đầu năm 2022, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp lõi giúp các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh từng bước xây dựng chính quyền điện tử theo hướng thông minh, hiện đại, thân thiện và gần gũi với nhân dân.

Tiêu biểu trong số này là hệ thống kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin dữ liệu tại Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Ngoài IOC, DN này còn phối hợp các sở ngành trên địa bàn xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng tiện ích, hiện đại như: Số hóa dữ liệu ngành công thương; Sở Kế hoạch & Đầu tư…; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đưa vào hoạt động Cổng thông tin Dịch vụ du lịch tỉnh Bình Dương; phối hợp xây dựng hệ thống đào tạo từ xa cho Sở Giáo dục & Đào tạo…

 Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo VNPT Bình Dương cho biết trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh và rộng rãi các dịch vụ giáo dục số, y tế số và phát triển hệ sinh thái số nhiều lĩnh vực khác. Trong khi đó, đại diện Công ty Công nghệ & Truyền thông Việt Nam (VNTT) cũng cho biết, đơn vị đang tập trung nghiên cứu và cung cấp các nhóm giải pháp giúp các DN tối ưu các khâu về quản trị, vận hành; đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng mạng viễn thông chất lượng cao để cung ứng cho nhu cầu ngày một tăng lên của thị trường.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên