Cống hiến hết mình

Cập nhật: 19-06-2013 | 00:00:00
Từ những người thợ bình thường, họ đã nỗ lực làm việc để thành thợ giỏi, vốn quý của doanh nghiệp

“20 năm gắn bó với công ty, tôi chưa từng thấy công nhân nào may “thần tốc” được như chị Huệ!”. Trò chuyện về tổ viên Cao Thị Huệ, bà Huỳnh Thị Mộng Vân, tổ trưởng tổ 5, xưởng Bình Phước, Công ty CP May Sài Gòn 3 (quận Thủ Đức, TP HCM), đã ngợi khen như thế.

 

Chị Cao Thị Huệ (đứng) đang chia sẻ kỹ năng may nhanh cho đồng nghiệp

Chị cả của xưởng

Chị Huệ sinh năm 1978 ở Bến Tre, bị khuyết tật một chân. Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, chị lên TP HCM làm thuê. Năm 2007, chị nộp đơn vào Công ty CP May Sài Gòn 3, vì “nghe nói công ty đối đãi tốt với người khuyết tật”.

Vào công ty, chị được lãnh đạo và đồng nghiệp hỗ trợ hết mình. Đáp lại, chị dành toàn bộ tâm sức cho việc học hỏi, nâng cao tay nghề. “Tôi đi làm đúng giờ, chú tâm học kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Hằng ngày, tổ trưởng giao việc gì tôi cũng không nề hà” - chị Huệ chia sẻ. Về sự siêng năng, tự giác của chị Huệ, bà Vân không giấu vẻ khâm phục: “Từ khi vào công ty đến giờ, chị Huệ chưa xin nghỉ ngày nào cả!”.

Tự dặn lòng “phải nỗ lực gấp hai người thường”, từ công đoạn may lai được giao lúc mới vào làm, giờ đây chị Huệ đã thạo thêm 3 công đoạn khác. Đặc biệt, năng suất hằng tháng của chị có khi cao gấp hai lần đồng nghiệp. Ngoài nhiệt tình chỉ dẫn cách may “thần tốc”, chị Huệ còn thường xuyên choàng gánh công việc cho cả xưởng. Ông Võ Hoàng Bích, Chủ tịch Công đoàn xưởng Bình Phước, nói vui: “Có công nhân trong xưởng gọi chị Huệ là “nghệ sĩ chạy sô”, là chị cả của xưởng đấy! Công đoạn nào đang cần may gấp mà thiếu người là chị Huệ được điều đến ngay”.

Viên ngọc quý

Năm 1999, sau khi xuất ngũ, anh Đoàn Thanh Hoàng, trở về quê ở huyện Bình Chánh, TP HCM mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Năm 2001, anh được nhận vào Công ty Đồng Tâm và được giao việc bốc gạch đi phơi. “Vốn tính tò mò, giờ rảnh tôi hay xin được vọc máy, bắt chước đồng nghiệp làm các công đoạn khác” - anh Hoàng cho biết. Nhờ thế, chẳng bao lâu anh đã được công ty tin tưởng giao đứng máy ép gạch.

Ở công việc này, nhận thấy khâu đục ba dớ (phần thừa bám vào viền gạch) phải làm bằng tay vừa lâu vừa cực, anh Hoàng đề xuất giải pháp chế tạo máy vệ sinh khuôn nóc, rìa. Máy “không giống ai” do anh chế tạo có một con dao kim loại tự động gọt “ba dớ”, sau khi đưa vào sử dụng đã tiết kiệm tiền nhân công cho công ty hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Từ sáng kiến đầu tiên, tự tìm tòi, sáng tạo, anh cho ra đời nhiều sáng kiến khác như sáng kiến  “Cải tiến chất lượng ngói”, “Chế tạo máy bơm vữa màu chuyển động bằng Pulley thay thế cho máy bơm trục vít”... làm lợi, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nói về anh Hoàng, bà Trần Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Công ty TNHH SX-XD-TM Đồng Tâm, tự hào: “Anh Hoàng đã giúp công ty rất nhiều trong việc giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Anh là viên ngọc quý của công ty!”.

Đam mê sáng tạo

“Sự phát triển của công ty có đóng  góp rất lớn của anh Tuấn”. Bà Phạm Thị Minh Sương, Phó Giám đốc Công ty Phạm Thu (huyện Hóc Môn, TP HCM), đã dành những lời tốt đẹp  này để nói về “cây sáng kiến” Nguyễn Trần Quốc Tuấn.

Anh Tuấn sinh năm 1975, quê ở Bến Tre, vốn là thợ cơ khí. Đam mê công việc, sẵn có kiến thức về máy móc, anh Tuấn luôn mày mò, sáng tạo. Năm 2010, anh đã thực hiện thành công sáng kiến tự động hóa dây chuyền lấy rác trong xưởng làm thùng giấy các tông của công ty. “Giải pháp của tôi đưa ra là chế tạo van xẻng điều khiển điện dùng để lấy rác băng keo trong máy thủy lực và chế tạo máy lọc, rửa rác băng keo sau máy phân ly” - anh Tuấn nói. Sau khi thực hiện, xẻng điều khiển bằng điện và máy rửa rác tự chế của anh đã tiết kiệm cho công ty gần một trăm triệu đồng tiền mua máy trên thị trường.

Ngoài ra, với các công trình xây bể chứa bột giấy để tránh sử dụng máy phát điện đánh bột giấy trong giờ cao điểm và xây chuyền tạo sóng mới đồng bộ chạy bằng hơi nước, anh Hoàng cũng đã góp phần tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Được đồng nghiệp tận tình hỗ trợ

Tiếp xúc với chúng tôi, các gương điển hình đều có chung suy nghĩ là thành công của họ gắn liền với sự tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo công ty và đồng nghiệp. Chị Cao Thị Huệ tâm sự: “Tôi luôn biết ơn lãnh đạo công ty và các đồng nghiệp đã tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ”. Anh Đoàn Thanh Hoàng thì nói: “Những khi cần tập trung suy nghĩ cho một công trình cải tiến máy móc mới, đồng nghiệp của tôi rất sẵn lòng làm thay nhiệm vụ trong ngày cho tôi”. Còn đối với anh Nguyễn Trần Quốc Tuấn thì: “Sự tin tưởng của lãnh đạo, sự nhiệt tình giúp đỡ của đồng nghiệp đã cho tôi thành công ngày hôm nay”.

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên