Ngày 9-12, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ký Công văn số 503-CV/TU về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có 9 nhóm giải pháp được đặt ra, trong đó chú trọng công tác đối thoại, hòa giải, không để hình thành các “điểm nóng”.
Không để hình thành các “điểm nóng”
Theo đánh giá, thời gian vừa qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ quan chức năng đã kịp thời ghi nhận, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng và bức xúc chính đáng của người dân, không để phát sinh, hình thành các “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của cả nước, của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, do tình hình dịch bệnh Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và tập trung các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh nên công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phần nào bị ảnh hưởng, trì hoãn; nhiều vụ việc đã thụ lý nhưng chưa được giải quyết. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn một số hạn chế.
Tăng cường công tác tiếp dân và cải cách thủ tục hành chính giúp kéo giảm các vụ khiếu nại, tố cáo. Trong ảnh: Cán bộ ở bộ phận một cửa phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) trả hồ sơ cho người dân sau khi thực hiện các thủ tục qua Zalo. Ảnh: TÂM TRANG
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sớm tổ chức lại hoạt động tiếp công dân theo đúng quy định, bảo đảm thuận lợi, an toàn, hiệu quả.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã thụ lý còn tồn đọng, chưa giải quyết do ảnh hưởng dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với các vụ việc mới phát sinh, nhất là các vụ việc liên quan đến chế độ chính sách, an sinh xã hội; không để tồn đọng, phức tạp, kéo dài, hình thành “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự địa phương.
Trong quá trình giải quyết, cần chú trọng đối thoại, làm rõ những vấn đề, nội dung người dân còn vướng mắc; kết hợp công tác vận động, giải thích, thuyết phục với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân; linh hoạt trong việc xem xét, vận dụng các chính sách, chế độ hỗ trợ nhằm giúp các hộ khiếu kiện là hộ nghèo, hộ chính sách ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu kiện…
Chú trọng công tác hòa giải
Theo báo cáo thẩm tra tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về thực thi pháp luật năm 2021, trong năm qua công tác tiếp dân phải tạm dừng trong nhiều tháng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn được lãnh đạo các ngành, các cấp chỉ đạo giải quyết, đạt tỷ lệ cao (93,92%), góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Công tác hòa giải ởcơ sở, đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết cũng được chú trọng. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đạt tỷ lệ 96,18%; thực hiện kết luận nội dung tố cáo đạt 100%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2021 toàn tỉnh đã tổ chức tiếp công dân được 2.743 lượt; 2.804 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; qua đó đã giải quyết được 1.731/1.843 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đạt tỷ lệ gần 94%.
|
Qua trao đổi với P.V, lãnh đạo một số địa phương cho biết từ đầu năm đến nay các địa phương luôn chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tiếp công dân. Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết địa điểm tiếp công dân được đặt tại trụ sở UBND thành phố và 14 phường bảo đảm các điều kiện cần thiết về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Địa phương luôn thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân của lãnh đạo; bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân; đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an thành phố bảo đảm an ninh trật tự tại điểm tiếp công dân để kịp thời xử lý những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh trật tự. Trong thời gian qua trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một không phát sinh khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh, trật tự. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành thông báo tạm dừng đối với một số hoạt động, trong đó có việc tiếp công dân.
Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng trong năm, TP.Thủ Dầu Một đã tiếp được 177 cuộc tiếp dân với 41 lượt người. Trong đó tổng số lượt tiếp của lãnh đạo là 23 cuộc, tiếp được 24 lượt người. Tổng số lượt tiếp thường xuyên là 154 cuộc, tiếp được 17 lượt người. “Trong năm 2022, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại… Công tác tiếp dân sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong thời gian tới”, bà Cúc cho biết.
Trong khi đó bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An, cho biết: “Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, địa phương đã khôi phục lại hoạt động tiếp dân theo kế hoạch. Thành phố đã phổ biến các quy định về tiếp dân trong tình hình mới, bố trí địa điểm tiếp dân bảo bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh. Quá trình tiếp dân, cán bộ và người dân đều chấp hành tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế”.
Theo bà Phương, từ khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, hoạt động tiếp công dân ở TP.Thuận An diễn ra thuận lợi, bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ và người dân. Việc duy trì hoạt động tiếp dân sẽ giúp lãnh đạo địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, từ đó giúp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, góp phần hạn chế những vụ việc phức tạp, kéo dài, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
T.PHƯƠNG - Q.NHƯ - N.HẬU