Ngoài ra, vào dịp tết, múa lân còn là hình thức biểu diễn vừa có ý nghĩa chúc xuân vừa mang tính chất linh thiêng về sự xuất hiện của loài linh thú báo hiệu thái bình đến với mọi người, mọi nhà.
Mỗi người trong chúng ta không ít hoài niệm đẹp về những tiếng trống lân dập dồn, tiếng chập chả xập xình, những màn nhảy múa vui mắt của ông địa. Những chú lân, sư tử, rồng lượn uốn một cách bay bổng, nhằm mang lại niềm vui, đều chúc phúc hay cầu lộc cho đời. Mùa tết, nhà chùa, chốn linh thiêng và gia đình là những nơi thường xuất hiện lân sư rồng nhất. Với nhà chùa trong dịp năm mới, dòng người tấp nập về lễ phật và xem múa lân, cầu chúc cho một năm mới nhiều niềm vui, thịnh vượng và thành công. Cứ mỗi độ xuân về, nhà nhà rước lân đến múa, trước là để mong cầu điều may mắn và sau là tạo nên không khí vui vẻ, tưng bừng cho ngày đầu năm, lấy đó làm vận hên cho cả năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có xuất hiện tình trạng kinh doanh văn hóa - múa lân để... kiếm tiền. Từ một vài tháng trước tết ở một số nơi, kể cả những vùng nông thôn đã xuất hiện những đội lân với chỉ 5 - 6 thanh thiếu niên đến từng nhà gõ cửa để được “phục vụ” (tất nhiên sau đó gia chủ phải trả tiền) dù thời gian này chỉ là những ngày thường. Nếu gia chủ không đồng ý “múa” thì họ đổi hướng bán “lộc thần tài” với những “miếng vàng” được ép trong bọc với giá 10.000 đồng. Đoàn lân kia chưa kịp rút đã thấy đội lân nọ xuất hiện trước sân nhà. Trong dịp lễ hội rằm tháng giêng sắp đến, múa lân sẽ hoạt động sôi động hơn. Lúc này, vàng thau lẫn lộn. Vì thế, rất cần được các ngành chức năng quan tâm chấn chỉnh để tránh sự thực dụng dẫn đến tình trạng thương mại hóa một loại hình nghệ thuật mang đậm tính văn hóa này.
Múa lân sư rồng, không khí mùa xuân thêm rộn ràng, sôi động. Cần giữ nét đẹp trong sáng vốn có của loại hình nghệ thuật độc đáo, múa lân sư rồng.
DÂN THƯỜNG