Đất lành cho niềm vui mới

Cập nhật: 08-12-2018 | 09:18:32

 Hai vợ chồng anh quê ở Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp. Hai anh chị thuê một căn phòng nhỏ gần khu công nghiệp để ở. Cả hai đều là thợ may nên vợ chồng anh chị mở tiệm nhận may quần áo.

Sau thời gian mở tiệm may, vì vắng khách nên đời sống anh chị cũng khá vất vả bởi thu nhập hàng tháng phải dành dụm để trả tiền thuê và chi tiêu sinh hoạt, chưa kể đến việc gửi tiền về quê để ông bà lo cho hai đứa con đi học. Hàng ngày, nhiều công nhân vào công ty làm việc thường ghé tiệm may của anh để sửa quần áo chứ không phải đặt may mới… Mở một tiệm may trong khu công nhân lao động xa quê sinh sống không khả quan như anh chị đã nghĩ ban đầu. Từ đó, vợ chồng anh chị đắn đo chuyện nghề nghiệp, tính toán việc thu nhập giữa làm thợ may và thợ sửa quần áo, nhưng rồi cũng quyết định chuyển từ tiệm may sang tiệm sửa quần áo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Từ ngày đổi sang tiệm sửa quần áo, anh chị nhận được nhiều đồ cần sửa của anh chị em công nhân. Chịu khó chăm chút tỉ mỉ từng xen-ti-mét để sửa cho đúng ý khách nên căn phòng vừa ở, vừa làm của anh chị mỗi ngày lại càng nhiều đồ hơn. Chủ yếu là phục vụ công nhân lao động xa quê ở trọ nên vợ chồng anh chị lấy giá thấp, mỗi cái quần áo được sửa dao động từ 10.000 đến 30.000 đồng tùy vào mức độ sửa nhiều hay ít. Nhận tiền mỗi cái được sửa tuy không nhiều nhưng được nhờ số lượng đông nên anh chị ổn định hơn với công việc.

Thấm thoát đến nay anh chị đã gắn bó với công việc sửa quần áo ở khu công nghiệp đã hơn 4 năm. Niềm vui của anh chị không chỉ có thu nhập mà còn là niềm vui cùng chia sẻ với người lao động xa quê dù chỉ là một đường may trên chiếc áo công nhân…

HẢI BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=590
Quay lên trên