Xuất phát từ tình hình đặc thù của công đoàn (CĐ) tỉnh Bình Dương, đồng thời sắp xếp lại hệ thống tổ chức CĐ trong tỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển, đầu tháng 2-2002, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bình Dương quyết định thành lập CĐ các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương. Ông Lê Nho Lượng, Phó Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bình Dương cho biết:
Mười năm qua, CĐ các KCN tỉnh Bình Dương đã có nhiều cố gắng kế thừa và phát triển những kinh nghiệm trong vận động, tổ chức và chỉ đạo hoạt động CĐ đạt được những kết quả quan trọng trong việc xây dựng tổ chức CĐ ngày càng lớn mạnh, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), tích cực xây dựng mối quan hệ lao động thân thiện, hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp (DN) có tổ chức CĐ.
CĐ các KCN trong một lần tổ chức đối thoại giữa CĐCS và người sử dụng lao động
- Thưa ông, kết quả nào được cho là nổi bật nhất trong hoạt động của tổ chức CĐ các KCN sau 10 năm hoạt động?
- Có thể nói, một trong những nhiệm vụ trọng tâm chúng tôi quan tâm thực hiện trong suốt 10 năm qua và mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi đó là công tác xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) và phát triển đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ). Sau 10 năm đi vào hoạt động, CĐ các KCN đã thành lập mới được 345 CĐCS, kết nạp thêm 121.576 ĐVCĐ, nâng tổng số CĐCS lên gấp gần 4,5 lần so với số lượng ban đầu (441 CĐCS/96 CĐCS) và số ĐVCĐ lên gấp 7,5 lần so với ĐVCĐ lúc mới thành lập (139.895 ĐVCĐ/18.319 ĐVCĐ).
Bên cạnh việc phát triển tổ chức CĐ về số lượng, CĐ các KCN đã tiến hành nhiều biện pháp để củng cố và xây dựng CĐCS về chất lượng hoạt động như thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ CĐCS về kỹ năng, nghiệp vụ công tác CĐ. Chúng tôi luôn củng cố những CĐCS yếu, hướng dẫn việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động. Qua đó, chất lượng hoạt động của BCH CĐCS, ngày càng có nhiều CĐCS hoạt động có hiệu quả, vừa đại diện bảo vệ tốt quyền lợi của NLĐ, vừa đề xuất và phối hợp tốt với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định trong DN, góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Từ đó được cả NLĐ và NSDLĐ tín nhiệm, tin cậy.
- Với đặc thù là một tỉnh tập trung nhiều KCN có rất nhiều lao động đến làm việc và sinh sống, CĐ các KCN đã làm gì để thực sự trở thành “bạn đồng hành” của công nhân?
- Trong suốt quá trình hoạt động, CĐ các KCN luôn quan tâm hướng hoạt động về cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, ĐVCĐ, CNLĐ, đó là: Thành lập quỹ tương thân tương ái của CĐ các KCN để kịp thời chăm lo cho đoàn viên, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn rủi ro khác. Tổ chức họp mặt và tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động nặng vào dịp Quốc tế Lao động 1-5 hàng năm. Từ năm 2004 đến nay, Quỹ Tương thân tương ái đã nhận được sự đóng góp của 376 lượt tập thể, cá nhân với tổng số tiền 482.496.000 đồng, quỹ đã thăm hỏi, tặng quà và tổ chức các hoạt động chăm lo cho 458 lượt đoàn viên bị tai nạn lao động, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 262.700.000 đồng. Hoạt động này đã thiết thực chăm lo, chia sẻ, động viên những hoàn cảnh khó khăn và đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng NLĐ.
Thực hiện tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLĐ như: Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức mua vé tàu tết cho ĐVCĐ, CNLĐ; thăm và tặng quà cho CNLĐ không có điều kiện về quê đón tết; tổ chức các đêm văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân” phục vụ CNLĐ; Tổ chức mô hình Cửa hàng CĐ bán hàng giá gốc cho NLĐ vào năm 2008, phối hợp các đơn vị tổ chức các chương trình vui chơi, mua sắm giảm giá cho NLĐ. Những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực được đông đảo đoàn viên, CNLĐ tích cực hưởng ứng...
- Để tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức CĐ, CĐ các KCN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?
- Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình hoạt động của mình đó là việc triển khai kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tổ chức CĐ Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ, nhận thức NLĐ, đặc biệt giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền giáo dục để mỗi cán bộ đoàn viên, CNLĐ nhận thức rõ lợi ích của mỗi cá nhân luôn gắn với lợi ích tập thể, lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân tộc để yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kiến thức, hiểu biết pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ người công dân yêu nước, sống làm việc theo pháp luật.
Mặt khác, cán bộ CĐCS phải không ngừng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh lập trường, nhiệt tình công tác, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của NLĐ. Tham gia quản lý và kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, chế độ và chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐ. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các DN, gắn phát triển đoàn viên với xây dựng CĐCS vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐ.
- Xin chân thành cảm ơn!
TRÍ DŨNG (thực hiện)