Đình thần Ngãi Thắng (còn gọi là Đình thần - Dinh ông Ngãi Thắng), tọa lạc tại khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An). Đầu năm 2009, đình đã được UBND tỉnh xếp hạng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh…
Đình thần Ngãi Thắng là nơi thờ 2 vị thần: Thành hoàng Bổn cảnh và Công thần ông Trương Công Đạt. Theo sử sách ghi lại, ông Trương Công Đạt vốn là người ở xứ Thuận Hóa, từng làm quan Chánh án đời Thái Tổ triều Lê. Sau khi ông mất một thời gian, con cháu ông đã vào vùng đất thuộc khu phố Ngãi Thắng hiện nay khai hoang phục hóa, an cư lạc nghiệp và họ đã di dời linh cữu của ông từ Thuận Hóa vào lập mộ ở đây để thờ phượng. Tương truyền, mộ của ông rất thiêng, thường hay phù hộ cho bá tánh trong vùng được bình an trong quá trình khai phá vùng đất mới. Chính vì vậy, dân trong làng xem ông là “thần phù hộ của nhân dân” và nhang khói thờ phượng ông trong đình cùng với thần Thành hoàng Bổn cảnh của làng. Cũng vì thế, đình được gọi là Đình thần - Dinh ông Ngãi Thắng (Ngãi Thắng ở đây chính là tên địa danh của vùng đất). Đình thần Ngãi Thắng từng được vua Tự Đức phong tặng sắc thần vào năm 1852.
Hương án thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh tại Đình thần - Dinh ông Ngãi Thắng.Ảnh: HỒNG THUẬN
Từ cổng chính bước vào, ngay phía bên trái là dãy nhà ăn, kế đến là khu vực chánh điện (nhà thờ). Bên trong chánh điện được bố trí và đặt các hương án thờ thần. Đầu tiền là hương án thờ vị chánh thần Thành hoàng Bổn cảnh, trên trang thờ có đề chữ Thần viết bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng. Kế đến là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên bàn thờ có đặt tượng thờ Bác Hồ bằng đồng. Cuối cùng là hương án thờ ông Trương Công Đạt. Hai bên hương án là áng thờ Tả ban và Hữu ban. Đình thần Ngãi Thắng không có bàn thờ Hội đồng nội, mà thay vào đó là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thờ các anh hùng liệt sĩ trong xã. Đây chính là điểm khác biệt của đình thần Ngãi Thắng so với nhiều ngôi đình làng khác ở khu vực Nam bộ và cũng chính là nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương nơi đây.
Theo kể lại của các vị cao niên, lúc đầu đình được xây dựng rất nhỏ, đơn sơ trên một khu đất rộng gần 4 mẫu, gần đó có khu mộ của ông Trương Công Đạt. Đình tọa lạc trong một khu rừng có cây cối rậm rạp, cư dân sinh sống xung quanh còn rất thưa thớt. Sau khi xây dựng, Đình thần - Dinh ông Ngãi Thắng đã được các bậc tiền hiền tu bổ nhiều lần. Năm 1954, đình bị thiêu rụi hoàn toàn bởi chiến tranh. Vào những năm 1956, 1967 và 1971, ba vị tiền hiền: Lê Văn Liêng, Châu Văn Ngà và Nguyễn Văn Phận đã đứng ra xây dựng lại ngôi đình để dân làng có nơi thờ cúng. Năm 2000, các bậc kỳ lão và dân làng Ngãi Thắng lại đóng góp tiền của, công sức để tu bổ, sửa chữa đình thêm một lần nữa, nhờ đó, đình mới có được cảnh quan như ngày hôm nay.
Hàng năm, tại đây diễn ra nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng mang đậm nét văn hóa làng quê Việt Nam, như: Cúng lễ Kỳ yên vào dịp rằm tháng giêng, còn gọi lễ Thượng Nguyên, lễ cúng ngày 5-5 âm lịch, cúng Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7. Đặc biệt lớn nhất là 2 lễ cúng cầu an thần Thành hoàng Bổn cảnh (vào ngày 18 và 19-8 âm lịch) và đại lễ cầu an ông Trương Công Đạt (vào ngày 18 và 19-11 âm lịch).
HỒNG THUẬN